Nếu quả thật người ngoài hành tinh chính là tác giả của những vòng tròn đã xuất hiện vào mùa hè trên những cánh đồng lúa mì tại nước Anh, thì có lẽ họ cũng biết đến con số pi (3,1415926…), một trong những con số rất đặc biệt trong toán học thể hiện mối quan hệ giữa chu vi và đường kính hình tròn. Vòng tròn trên được phát hiện vào đầu tháng 6 trên cánh đồng đại mạch ở Barbury Castle tiếp sau nhiều hình ảnh khác đã từng xuất hiện tương tự tại nhiều cánh đồng nước Anh trong khoảng thời gian trước đó. Nhà nghiên cứu Lucy Pringle đã chụp lại hình ảnh này từ trên cao. Từ hơn 10 năm nay, cô rong ruổi không biết mệt mỏi trên khắp các cánh đồng nước Anh nhằm nghiên cứu những vòng tròn bí ẩn như vậy. Hình ảnh có đường kính tới 45m nằm trên một ngọn đồi của vùng Wilshire. Theo nhà vật lý thiên văn Mike Reed thì tuy chưa phải là một trong những vòng tròn đẹp nhất nhưng phía sau đường xoắn ốc này lại là một cấu trúc cực kỳ phức tạp. Nếu ta vẽ thêm vào đường tròn này các bán kính tương ứng với các khấc khác nhau, thì thông điệp bí mật sẽ được hé lộ một cách rõ ràng: nó tương ứng với con số 3,141592654, trùng khớp một cách đáng ngạc nhiên với 9 con số đầu tiên của số pi, chỉ có điều chữ số sau cùng là số 4 chứ không phải là 3 (4 là giá trị được làm tròn khi ta chỉ nêu ra 9 chữ số thập phân đầu tiên).
Hình ảnh số pi trên cánh đồng Wilshire
Theo giáo sư Reed, vòng tròn nhỏ, nằm ở bên phải của trung tâm, tượng trưng cho dấu phẩy của số pi. Với một nhà nghiên cứu luôn chú tâm tới toán học như ông thì phần còn lại của vấn đề tương đối đơn giản. Chúng ta vẫn còn nhớ các bài giảng trên ghế nhà trường: số pi cho phép ta tính được diện tích của một hình tròn. Trong số tất cả các chữ số thì số pi như thể đến từ một thế giới khác. Nó thuộc dãy số vô tỷ: không thể được viết như thương của 2 số nguyên. Bình thường để tính toán người ta chỉ dùng 4 hoặc 5 chữ số đầu tiên của số pi và riêng với ngành vũ trụ, người ta dùng từ 9 tới 10 chữ số. Ngoài ra, số pi thuộc số siêu việt tức là số thực nhưng không phải là nghiệm của phương trình đại số nào. Về cơ bản, số pi giải thích cho ta tại sao phép cầu phương của một hình tròn là không thể, và tại sao ta không thể thực hiện được một hình vuông có cùng diện tích với một vòng tròn bằng thước kẻ và compa.
Wilshire là nơi có thừa sự huyền bí với công trình đá nổi tiếng Stonehenge . Nhiều vòng tròn đã được phát hiện tại đây: năm 1991, hình vẽ dạng Fractal của Benoit Mandelbrot (trên một cánh đồng lúa mạch khác); năm 1996 là hình vẽ Julia Set, và năm 1997 là những vòng tròn Koch… Tất cả các hình vẽ đều được các nhà vật lý và toán học nghiên cứu rất kĩ, họ bị cuốn hút ngay bởi sự phức tạp lý thú của nó. Cách đấy không xa, ở Milk Hill, nơi xuất xứ của nhiều vòng tròn bí ẩn được phát hiện vào năm 2001, người ta cũng tìm thấy một hình xoắn ốc tuyệt đẹp được tạo ra từ 400 vòng tròn có kích thước khác nhau, trải rộng trên 90.000m2.
Vòng tròn ở Stonehenge
Những vòng tròn nối tiếp tạo thành hình chim bồ câu
Sau khi tìm cách lý giải, nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận rằng các cá nhân đó không thể là tác giả của những hình vẽ rất phức tạp này. Nếu ta quan sát chúng ở cự ly gần trên mặt đất, có một số yếu tố mà ta không thể giải thích được: các bông lúa không phải bị cắt mà bị uốn cong rồi sau đó được bện lại thật tinh xảo theo dạng một vòng xoắn ốc, như thế có nghĩa là nó không thể bị đè nát bởi một chiếc máy cắt. Các vòng tròn đồng tâm, chiều của xoắn ốc xoay ngược nhau. Thêm vào đó là việc các thân cây đều mang hình dạng cổ quái và trên cánh đồng, không khí thường bị ion hoá. Phân tích hóa học những loại ngũ cốc bị đổ nghiêng trong một số vòng tròn cho thấy các thân cây trồng này chịu được một nhiệt độ dữ dội trong khoảng vài giây. Hơn nữa, người ta còn phát hiện thấy sự có mặt của 10 nguyên tố phóng xạ hiếm mà các loài thực vật thông thường không hề có, đó là: Chì 208, Europi 146, Tellur 119, Iod, Bismut 205, Vanadi 48, Protectini 230, Ytterbi 169 và Rodi 102. Cuối cùng là việc người ta tìm thấy những bụi sắt li ti ở khu vực đó. Xung quanh các vòng tròn, không hề thấy bất cứ dấu chân người nào. Ngoài ra, cũng không thể thực hiện các hình vẽ có hình dạng phức tạp như thế này trong đêm tối và nhất là chỉ trong một đêm. Hình vẽ đẹp nhất thường xuất hiện vào mùa hè, khoảng tháng 6 và tháng 7, tại những nơi bí ẩn nhất nước Anh như Avebury, Silbury Hill, hay Stonehenge . Ngày nay, chúng không còn là những vòng tròn đơn giản và không còn chỉ duy nhất xuất hiện trên các cánh đồng ngũ cốc, mà đã bắt đầu xuất hiện trên các ruộng lúa, rừng thông và những ngọn núi phủ tuyết ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại những nơi này, nhiều vết tích của nền văn minh tiền sử đã được thể hiện trên những sườn đồi lớn, những ngọn đồi chuyên dành làm nơi mai táng người chết. Những khối đá lớn đã được vận chuyển tới đây qua một quãng đường dài hàng trăm cây số. Hiện giờ, chúng ta vẫn chưa biết được chúng đã được vận chuyển bằng phương tiện gì để có thể làm nên những vòng tròn đá bí ẩn. Nếu loại bỏ giả thiết rằng nguồn gốc của những kì quan trên đến từ thiên nhiên hay con người Trái đất thì chỉ còn một khả năng: đó là do bàn tay của người ngoài Trái đất. Nhưng ai có thể giải thích lý do vì sao những người bạn này đã cất công tìm đến Trái đất để gây chú ý bằng các hình vẽ đó rồi lại vội vã bỏ đi ngay trong đêm? E rằng câu trả lời vẫn còn phải phụ thuộc vào thời gian. Bí mật vẫn là bí mật. Thế kỷ mới của các vòng tròn trên những cánh đồng lúa mạch chỉ mới bắt đầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét