Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

Nguyễn Thủy Thanh - BÀI TẬP TOÁN CAO CẤP (3 tập)

Bộ sách Bài tập Toán cao cấp của tác giả Nguyễn Thủy Thanh (3 tập) nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội 2006.
Bai tap toan cao cap nguyen thuy thanh tap 1 tap 2 tap 3
1. Nguyễn Thủy Thanh - BÀI TẬP TOÁN CAO CẤP Tập 1 (Đại số tuyến tính và Hình học giải tích) gồm các phần:
Lời nói đầu
1. Số phức
2. Đa thức và hàm hữu tỉ
3. Ma trận - Định thức
4. Hệ phương trình tuyến tính
5. Không gian Euclide Rn
6. Dạng toàn phương và ứng dụng để nhận dạng đường và mặt bậc hai
Download tập 1

2. Nguyễn Thủy Thanh - BÀI TẬP TOÁN CAO CẤP Tập 2 (Phép tính vi phân)
7. Giới hạn và liên tục của hàm số
8. Phép tính vi phân hàm một biến
9. Phép tính vi phân hàm nhiều biến
Download tập 2

3. Nguyễn Thủy Thanh - BÀI TẬP TOÁN CAO CẤP Tập 3 (Phép tính tích phân. Lý thuyết chuỗi. Phương trình vi phân)
10. Tích phân bất định
11. Tích phân xác dịnh Riemann
12. Tích phân hàm nhiều biến
13. Lý thuyết chuỗi
14. Phương trình vi phân
15. Khái niệm về phương trình vi phân đạo hàm riêng
Tài liệu tham khảo
Download tập 3

Bài phát biểu của GS Ngô Bảo Châu trong lễ mừng công

Xem lại video bài phát biểu của GS Ngô Bảo Châu trong lễ mừng công (29/8/2010, tại trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam).

... Tôi xin tâm sự một vài điều. Tôi sinh ra trong kháng chiến chống Mỹ và lớn lên trong hoàn cảnh khá khó khăn của thời kì hậu chiến. Tuy không ai thích thú những chuyện ôn nghèo, kể khổ ta vẫn không thể không nhớ lại những yếu tố đã lập thành con người mỗi chúng ta cả về thể xác lẫn tinh thần.
Bài phát biểu của GS Ngô Bảo Châu trong lễ mừng công
GS Ngô Bảo Châu: "Tôi đã được cộng đồng toán học Việt Nam nuôi dưỡng".
Ngay khi còn bé, tôi đã hiểu rằng, bố mẹ đã phải nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi tôi khôn lớn. Gần 20 năm trở lại đây tôi sinh sống ở nước ngoài (rất lâu ở Pháp, gần đây ở Mỹ). Tiếp xúc với cuộc sống của người nước ngoài, tôi có hiểu ra một điều rằng, tuổi thơ của tôi và các bạn cùng lứa của tôi có thể thiệt thòi hơn về cái ăn, cái chơi nhưng về học tập thì chưa chắc.

Sinh ra trong một gia đình trí thức có truyền thống, việc học hành của tôi luôn là ưu tiên số một của bố mẹ, có lẽ vì bố mẹ là nhà khoa học nên niềm đam mê khoa học, giá trị tuyệt đối của tri thức, đã ngấm vào máu tôi lúc nào mà không biết. Trong hầu hết các gia đình Việt Nam, việc học hành vẫn được coi là quan trọng nhất, nhưng tình yêu tri thức và yêu khoa học thì theo ý kiến chủ quan của tôi vẫn là sự hiếm hoi.

Điều kiện đặc biệt thuận lợi nữa cần kể đến là tuổi học trò của tôi đã được cộng đồng toán học Việt Nam nuôi dưỡng. Tôi hiểu cộng đồng toán học theo nghĩa rộng, từ thầy Tôn Thân, giáo viên chuyên toán trường Trưng Vương, đến thầy cô chuyên toán A0 trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, sau đó đến nhiều nhà toán học trẻ vào thời đó dành tất cả tâm huyết của mình hoàn toàn vô tư trong hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn khi đó.

Tôi không thể kể tên hết được các anh, nhưng xin chỉ lấy một ví dụ như thầy Phạm Hùng ở khối chuyên toán. Tôi đi học thầy trong căn phòng 8 m2 lúc nào cũng nghi ngút khói thuốc bắc vì thầy hay đau ốm nhưng thù lao duy nhất thầy Hùng nhận được của bố mẹ tôi đôi khi là cân đường, đôi khi là một vỉ thuốc bổ.

Trong cộng đồng toán học Việt Nam việc người đi trước nắm tay người đi sau là một việc hết sức tự nhiên. Gần đây, do có sự cọ xát với một số ngành khoa học khác tôi mới hiểu ra rằng tinh thần yêu thương, đoàn kết trong cộng đồng toán học Việt Nam là một cái rất hiếm hoi và đáng quý.

Khoa học của nước ta nói chung và toán học nói riêng chưa có vị trí xuất sắc trên thế giới nếu không có tinh thần đoàn kết, thương yêu lẫn nhau. Với tinh thần nghiêm khắc, không bao che những yếu kém về học thuật thì toán học Việt Nam cũng như các ngành khoa học khác sẽ có nhiều cơ hội để tiến bộ.

Cái may mắn đặc biệt tiếp theo là việc tôi được chính phủ Pháp cấp học bổng để sang Pháp học Đại học. Là một sinh viên người nước ngoài nhưng trong suốt quá trình học tập ở Pháp chưa một lần nào tôi cảm thấy mình được kém ưu tiên so với sinh viên Pháp. Ngược lại, chính giáo sư trưởng khoa toán trường ĐH Sư phạm Paris nơi tôi học đã khuyên tôi nên làm việc với GS Gérard Laumon, lúc đó là một trong những nhà toán học Pháp xuất sắc nhất. Và kết cục là ông Gérard Laumon nhận tôi là học trò. Ông Laumon là người đã giúp tôi từ một cậu sinh viên thích học toán trở thành một nhà toán học chuyên nghiệp. Ông là một người thầy tuyệt vời.

Trong số 7 người học trò của ông tính đến nay đã có 2 giải thưởng Fields, và gần đây nhất cô học trò trẻ nhất của ông đã được phong giáo sư trường Harvard khi chưa đầy 30 tuổi. Trưởng thành trong nhóm khoa học do ông Laumon và đồng nghiệp của ông lãnh đạo không chỉ có tôi, anh Lafforgue, người đoạt giải Fields năm 2002, mà còn rất nhiều nhà khoa học trẻ xuất sắc khác.

Ôn lại thời gian này, tôi hiểu được sự quan trọng, được sức mạnh của những nhóm nghiên cứu khoa học kết hợp bởi những nhà khoa học đã có tên tuổi, có kinh nghiệm, có hiểu biết nhiều lĩnh vực khác nhau và những sinh viên tràn trề ham mê khoa học. Tôi thực sự hạnh phúc khi giải thưởng Fields tuy trao cho cá nhân tôi nhưng cũng đem lại vinh dự xứng đáng cho cộng đồng toán học Pháp cũng như cộng đồng toán học Việt Nam.

Từ hơn 3 năm nay tôi có may mắn hiếm hoi được làm việc ở viện nghiên cứu cao cấp cơ bản Princeton - Viện được thành lập từ những năm 30 là nơi Albert Einstein đã làm việc hơn 40 năm. Ngoài một số nhỏ giáo sư ở viện mà hầu hết là những nhà toán học, vật lý hàng đầu thế giới, viện thường xuyên đón các nhà khoa học trẻ trên thế giới đến làm việc từ 1 đến 2 năm.

Ngoài nguồn hỗ trợ tài chính rất lớn từ chính phủ Mỹ cũng như các tổ chức tư nhân, cách tổ chức công việc hiệu quả của viện Princeton là cái rất đáng để học tập. Sau 50 năm, tức là một khoảng thời gian không lớn so với lịch sử khoa học, viện đã trở thành một lá cờ đầu của toán học, vật lý lý thuyết và đóng vai trò rất lớn cho sự hình thành trường phái toán học Mỹ và vào thời điểm hiện tại vẫn đóng vai trò số một không phải bàn cãi.

Nếu không có thời gian làm việc ở Princeton rất có thể Bổ đề cơ bản chưa được hoàn thành vào thời điểm này. Và ngoài ra với sự tiếp xúc với các nhà khoa học thiên tài như Langlands tôi đã hình dung rõ ràng chương trình nghiên cứu tiếp theo của mình sau khi Bổ đề cơ bản đã được hoàn thành.

Từ trải nghiệm ở Pháp cũng như ở Mỹ, tôi hiểu ra rằng môi trường học thuật lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự trưởng thành của các nhà khoa học trẻ. Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi học thuật và đạo đức trong học thuật luôn được xếp ở vị trí đầu tiên cùng với sự bình đẳng giữa các nhà khoa học không phân biệt già trẻ cũng như sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học.

Cuối cùng tôi xin nhắc đến một người, một nhà khoa học và là người bạn lớn của Việt Nam, đó là ông Rogermortier, khi còn là sinh viên (cách đây 50 năm) Orgi đã tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên Pháp phản đối chính sách thực dân ở Đông Dương, sau này ông đã qua Việt Nam nhiều lần và trở thành người bạn thân thiết của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông là người sáng lập ra Ủy Ban hợp tác Khoa học Pháp - Việt.

Tôi may mắn sống trong ngôi nhà của ông nhiều năm, học được rất nhiều từ con người ông. Ông không bao giờ nói dài khi đang làm nhưng qua việc làm của ông tôi hiểu rằng nhiệm vụ của nhà khoa học không chỉ đơn thuần là chuyên môn mà còn bao gồm việc đem đến cho những người trẻ tuổi không kể xuất xứ, không nhất thiết phải là người thân cái cơ hội đầy tiềm năng của họ được phát triển trong khoa học và rộng hơn là trong cuộc sống. Đấy là điều mà tôi muốn nói với các nhà khoa học Việt Nam, những nhà quản lý và tất cả những người làm cha, làm mẹ.

Hiện trạng khoa học của chúng ta chưa được như chúng ta mong đợi, nhưng ý thức của mỗi người và sự cố gắng của Nhà nước, của Chính phủ qua những quyết sách đúng đắn, dũng cảm chính là động lực tiền đề cho sự chuyển biến theo một chiều hướng tích cực.

Cuối cùng, tôi xin chúc tất cả các bạn trẻ luôn giữ được niềm tin, niềm say mê để đi tiếp con đường mà mình đã chọn.

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

22 bài giảng luyện thi Đại học môn Toán năm 2011

22 bai giang luyen thi dai hoc mon toan nam 2011
22 bài giảng luyện thi Đại học môn Toán được biên soạn nhằm phân loại các dạng bài tập trong các đề thi Đại học Cao đẳng từ trước đến nay. Mỗi bài giảng là một chuyên đề có ví dụ được giải và phân tích chi tiết, cùng với nhiều bài tập có đáp số:
Bài giảng 1: Thể tích khối đa diện
Bài giảng 2: Quan hệ vuông góc trong không gian
Bài giảng 3: Các bài giảng về tọa độ vectơ trong không gian
Bài giảng 4 & 5: Đường thẳng và mặt phẳng trong không gian
Bài giảng 6: Mặt cầu
Bài giảng 7: Bất đẳng thức và giá trị lớn nhất – giá trị nhỏ nhất
Bài giảng 8: Các bài toán về số phức
Bài giảng 9: Xác suất
Bài giảng 10: Nhị thức Niuton
Bài giảng 11: Các bài toán về tổ hợp, chỉnh hợp và phép đếm
Bài giảng 12: Phép tính tích phân và ứng dụng
Bài giảng 13: Đường thẳng trong mặt phẳng
Bài giảng 14: Đường tròn
Bài giảng 15: Ba đường conic
Bài giảng 16: Hàm số đa thức
Bài giảng 17: Hàm số phân thức
Bài giảng 18: Phương trình lượng giác
Bài giảng 19: Phương trình và bất phương trình đại số
Bài giảng 20: Phương trình và bất phương trình siêu việt
Bài giảng 21: Giới hạn và liên tục của hàm số
Bài giảng 22: Mặt cầu, mặt trụ và mặt nón
Tài liệu này rất hữu ích cho các thầy cô dạy Toán và cho học sinh đang ôn thi đại học. Download tại đây

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Danh sách các trường THPT có học sinh thi Đại học 27 điểm trở lên

Bộ GD-ĐT công bố bảng thống kê về số thi sinh đạt điểm cao trong kì thi ĐH 2010 để giúp các tỉnh có chế độ khen thưởng xứng đáng cho các thí sinh này.

Xếp hạng theo Tỉnh/Tp:
a.   Tính theo lượt thí sinh: Hà Nội đứng đầu, rồi đến Nghệ An, Thanh Hoá, tp HCM, Thái Bình, Hải Dương …
b.   Tính theo tỉ lệ phần vạn: Hải Dương đứng đầu, Hà Nội, Thái Bình.
Xếp hạng theo trường: Trường chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An đứng đầu về số lượng học sinh đạt 27 điểm trở lên (32 học sinh).
Có 43 Tỉnh/tp có thí sinh đạt 27 điểm trở lên. Danh sách chi tiết download theo link ở trên. Dưới đây là các tỉnh có từ 14 học sinh trở lên.
1. Số lượng thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên của các tỉnh (thi Đại học 2010)
STT Tỉnh/Thành Số lượng
1 TP Hà Nội 172
2 Nghệ An 86
3 Thanh Hóa 68
4 TP Hồ Chí Minh 62
5 Thái Bình 57
6 Hải Dương 49
7 Hà Tĩnh 37
8 TP Hải Phòng 36
9 Bắc Ninh 35
10 Nam Định 26
11 Vĩnh Phúc 21
12 Quảng Nam 18
13 Đắc Lắc 17
14 Quảng Ngãi 16
15 Hưng Yên 14
16 Quảng Ninh 14
17 Thừa thiên-Huế 14
Có 300 trường THPT trong cả nước có học sinh thi Đại học 2010 đạt từ 27 điểm trở lên. Bảng chi tiết download theo link trên. Dưới đây chỉ liệt kê các trường THPT có từ 8 em trở lên.
2. Danh sách các trường THPT có học sinh thi Đại học 27 điểm trở lên

STT Tỉnh / Thành Trường THPT Số lượng HS
1 Nghệ An THPT Chuyên Phan Bội Châu 32
2 TP Hà Nội Chuyên Toán Tin  ĐH SP HN 22
3 TP Hồ Chí Minh THPT DL Nguyễn Khuyến 21
4 TP Hồ Chí Minh THPT NK ĐH KHTN 20
5 TP Hà Nội Chuyên Toán ĐH QG Hà Nội 19
6 Thái Bình THPT  Chuyên 17
7 TP Hải Phòng THPT Chuyên Trần Phú 17
8 Hà Tĩnh THPT Chuyên Hà Tĩnh 15
9 Nghệ An Chuyên Toán ĐH Vinh 15
10 Thanh Hóa THPT Chuyên Lam Sơn 13
11 TP Hà Nội THPT Hà Nội-Amstecdam 13
12 TP Hà Nội THPT Liên Hà 13
13 Hải Dương THPT Nguyễn Trãi 12
14 TP Hà Nội THPT Chuyên Nguyễn Huệ 12
15 Đắc Lắc THPT Chuyên Nguyễn Du 10
16 Nam Định THPT Lê Hồng Phong 10
17 Phú Thọ Trường THPT Chuyên Hùng Vương 10
18 Bình Định THPT chuyên Lê Quý Đôn 9
19 TP Hà Nội Chuyên Hoá ĐH  QG Hà Nội 9
20 Vĩnh Phúc THPT Chuyên Vĩnh Phúc 9
21 Bắc Ninh THPT Chuyên Bắc Ninh 8
22 Nam Định THPT Giao Thuỷ A 8
23 Quảng Nam THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm 8
24 Thừa Thiên-Huế THPT  Chuyên Quốc Học 8

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

Ngô Bảo Châu: 15 năm cô đơn với Bổ đề cơ bản

Con đường đến với toán học của Ngô Bảo Châu khá gập ghềnh nhưng nếu ông không chọn toán học thì nó cũng chọn ông. Ngô Bảo Châu tâm sự: “Toán không giống với văn. Nếu như ai cũng có thể nhảy vào bình luận, chê bai văn thì lại rất ít người hiểu toán để đánh giá nên tôi có thể âm thầm làm. Như thế đôi khi đạt hiệu quả hơn. Làm văn và làm nghệ thuật đôi khi cũng dễ chịu áp lực làm sao để tác phẩm của mình được công chúng biết đến, còn người làm toán chịu áp lực với bản thân nhiều hơn”.
Cho đến nay, thành tựu giải quyết Bổ đề cơ bản của Ngô Bảo Châu vẫn được cho là công trình vĩ đại đối với một nhà toán học trẻ. Nhưng cái Bổ đề cơ bản của chương trình Langlands ấy cũng nhiều phen làm khổ nhà toán học Việt Nam.


nhà toán học ngô bảo châu
Gia đình nhà toán học Ngô Bảo Châu
Ông kể: “Năm 1993, khi làm luận án tiến sĩ, tôi đã bắt đầu nghĩ đến chuyện giải quyết bổ đề, dù luận án đó là viết về một công trình khác”.

Ngô Bảo Châu từng tâm sự trên blog cá nhân câu chuyện “15 năm cô đơn với bổ đề”. Trước khi ông tiếp xúc với bổ đề, bài toán này đã tồn tại 15 năm mà chưa ai giải quyết được. Chính Ngô Bảo Châu cũng phải mất 15 năm để đi tới đích và chiến thắng trong “cuộc chiến” mà nhiều nhà toán học đã dấn thân nhưng thất bại.

Năm 2001, Ngô Bảo Châu bắt đầu tới Chicago - Mỹ và hạ quyết tâm giải quyết Bổ đề cơ bản. Khi đó, ông gặp nhiều nhà toán học đã thất bại trước bổ đề và rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần. “Tôi có một anh bạn người Mỹ nghiên cứu bổ đề rất lâu nhưng thất bại. Anh ấy nói với tôi về tất cả những khó khăn nếu dấn thân vào lĩnh vực này. Lúc ấy tôi cũng lo nhưng vẫn có niềm tin” - Ngô Bảo Châu kể.

Trước khi Ngô Bảo Châu khơi lại Bổ đề cơ bản, giới toán học gần như đã bỏ lĩnh vực này và coi như đó sẽ mãi là một bài toán không có lời giải. Ngô Bảo Châu vẫn âm thầm vừa giảng dạy ở Pháp vừa làm Bổ đề cơ bản.

Có một câu chuyện mà ông vẫn nhớ mãi: “Một lần đi xin việc ở Pháp, tôi nói với những người sẽ tuyển mình rằng tôi đang nghiên cứu bổ đề và họ đã cười phá lên. Có người không hiểu bổ đề là gì, có người hiểu thì nghĩ rằng tôi quá ngạo mạn. Thế là tôi không được nhận việc”.

Ngô Bảo Châu quan niệm toán học cũng chỉ là một phần của cuộc sống, còn Bổ đề Langlands chỉ là một phần của toán học nên nếu có thất bại thì ông cũng sẽ không quá buồn.

“Tôi sợ nhất là mình làm nhưng lại cho đáp án sai thôi, còn làm mà không ra là chuyện bình thường”- ông tâm sự. Có lẽ chính vì quan niệm nhẹ nhàng như vậy nên Ngô Bảo Châu đã thực hiện được công trình để đời.

Bổ đề cơ bản do nhà toán học Langlands người Canada đề xuất. Ông cũng là nhà toán học mà Ngô Bảo Châu ngưỡng mộ nhất. Bố mẹ Langlands là người bình thường, ông cũng không được thụ hưởng một nền giáo dục hàng đầu nhưng đã đề xuất một trong những câu hỏi vĩ đại nhất của toán học hiện đại: Bổ đề cơ bản - tìm câu trả lời cho sự thống nhất giữa hình học và số học.

GS Ngô Bảo Châu tâm sự: “Bổ đề đã được giải quyết rồi nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi khác nữa. Tôi cũng luôn cố gắng để tránh rơi vào tình trạng hụt hẫng và chán nản như nhiều nhà toán học sau khi có được những công trình lớn và ngày càng già đi”.
MathVn.Com (Dân Trí)

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Bổ đề cơ bản Langlands dưới con mắt của JOE

Hãy cùng nghe Joe (blogger nước ngoài nổi tiếng nhờ viết blog bằng tiếng Việt) “văn học hóa” hành trình chứng minh “Bổ đề cơ bản” của giáo sư Ngô Bảo Châu, để hiểu một cách chân phương nhất, đời thường nhất những gì nhà toán học đã làm được để đưa anh đến với giải thưởng Fields danh giá.

Vừa rồi báo chí kể nhiều về giáo sư Ngô Bảo Châu. Bố, mẹ anh làm gì, trước đây anh học ở đâu và được giải thưởng gì. Anh đã nhận giải thưởng Fields ở thành phố nào, được ai trao tặng huy chương. Thậm chí báo chí có nói công trình của anh dày 169 trang (chính xác quá nhỉ!), và tên của nhà xuất bản phát hành tạp chí đã công bố công trình đó.
Tuy nhiên, báo chí ít nhắc đến nội dung công việc anh ấy đã làm – công việc khiến anh ấy được chọn là người xứng đáng nhận giải thưởng Fields. “Nói chung anh ấy giỏi toán”, là khái niệm sơ sơ của đa số tác giả viết bài liên quan. Khái niệm đó thường được thể hiện bằng ngôn ngữ rất hoành tráng, nhưng vẫn là khái niệm sơ sơ.
Các tác giả thường dừng lại ở câu “Ngô Bảo Châu đã chứng minh được “Bổ đề cơ bản” (thỉnh thoảng cho chút tiếng Pháp vào cho oách: “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie”). Nhưng “Bổ đề cơ bản” là gì và vì sao chứng minh nó?
Tôi không giỏi toán nhưng tôi nghĩ các vấn đề khoa học có thể được thể hiện bằng ngôn ngữ thú vị và dễ hiểu nếu tác giả bỏ chút thời gian nghiên cứu. Tôi đã nghiên cứu và thấy câu chuyện thật thú vị, không kể cho các bạn nghe thì...phí quá!
Câu chuyện bắt đầu như thế này. Cách đây rất lâu các nhà toán học đã công bố hai lý thuyết quan trọng: lý thuyết số học và lý thuyết nhóm (number theory, group theory). Bản chất của hai lý thuyết đó tôi sẽ để cho bác “Wiki” giải thích – điều nên nhớ là (a) hai lý thuyết ấy rất quan trọng trong thế giới toán học và (b) hai lý thuyết ấy từ xa nhìn riêng biệt với nhau, như hai cành của một thân cây.

Bổ đề cơ bản Langlands dưới con mắt của JOE
Cách đây khoảng 30 năm, một nhà toán học Canada tên Robert Langlands đã công bố rằng ông ấy nghĩ hai lý thuyết ấy có sự liên quan rất đa dạng. Quan điểm của Robert (và cách thể hiện quan điểm đó) đã làm cho nhiều nhà toán học thực sự choáng! Robert cũng tự làm choáng mình nữa – ông phát biểu rằng sẽ mất mấy thế hệ để chứng minh sự liên quan đa dạng mà ông ấy cho rằng có tồn tại.
“Nhưng bước đầu tiên sẽ tương đối dễ thực hiện”, ông Robert tự tin nói với đồng nghiệp.
“Bước đầu tiên” đó Robert đặt tên là "fundamental lemma”, và đó chính là “Bổ đề cơ bản” mà các bạn nghe kể nhiều thời gian gần đây.
Ông Robert tựa như đang đứng trên đảo nhỏ. Nhìn về phía Đông là một con tàu lớn. Nhìn về phía Tây cũng là một con tàu lớn. (Hai tàu không có người lái, trôi trên mặt biển.) Robert không nhìn kỹ được nhưng vẫn cho rằng hai con tàu đó có nhiều điểm chung. Có khi sản xuất cùng loại thép. Có khi chân vịt cùng cỡ. Có khi bánh lái của “tàu Đông” hướng về phía tay phải thì bánh lái của “tàu Tây” sẽ tự động hướng về phía tay trái.
Khỏi phải nói hai con tàu đó là lý thuyết số học và lý thuyết nhóm.
Với Robert, việc chứng minh “bổ đề cơ bản” có thể so sánh với việc ném hai sợi dây có móc sang hai tàu. Khi việc đó làm xong, các nhà toán học khỏe mạnh có thể đứng trên đảo cùng Robert, dùng dây kéo hai tàu gần nhau. (Khi đó mới nhìn kỹ được, tìm ra sự liên quan.) Việc kéo hai con tàu gần nhau và so sánh là việc Robert nghĩ sẽ mất mấy thế hệ. Nhưng việc ném hai sợi dây có móc đó ông Robert nghĩ sẽ nhanh thôi.
Nhưng ông Robert đã nhầm. Việc ném dây khó lắm. Robert cùng một số em sinh viên đã ném thử mấy lần nhưng lần nào cũng thất bại. Họ chỉ biết ném gần (không chính xác được) và dùng dây loại mỏng.
Đảo của Robert trở thành đảo nổi tiếng. Suốt 30 năm có rất nhiều nhà toán học sang “ném thử” Ai cũng lau mồ hôi và kêu lên “khó quá!” Nhiều nhà toán học trên đất liền chuẩn bị công cụ dùng để kiểm tra và so sánh hai con tàu lúc được kéo về đảo (kéo gần nhau!). Họ sản xuất máy để kiểm tra loại sơn, lập trình phần mềm để phân tích hai chân vịt. Thậm chí có người tập lái tàu và tập cách đứng trên boong tàu để không bị say sóng. Những công việc và sự tập luyện đó sẽ thành vô nghĩa nếu không có người ném dây chính xác.
Và rồi xuất hiện anh Ngô Bảo Châu. Nghe kể về đảo của Robert, anh bơi sang xin ném thử. “Được chứ!”, các nhà toán học giỏi nhất thế giới động viên. “Anh cứ thử thoải mái đi, thử mấy lần cũng được, thử xong ngồi cùng chúng tôi uống trà đá nhé!”
Anh Châu ném thử một lần, ném rất mạnh, dùng loại dây nặng nhất. Các nhà toán học kia đứng lên ngạc nhiên, nhiều cốc trà đá rơi xuống đất. Cách ném của anh Châu rất lạ; anh dùng kỹ thuật đặc biệt mà chưa ai thấy bao giờ. “Ném thật đi anh ơi!”, các nhà toán học động viên tiếp. “Biết đâu anh sẽ là nhà toán học đầu tiên bắt tàu hai tay!”
Ngô Bảo Châu ném thật. Và chính xác. Hai cái móc dính vào hai con tàu ngay, mọi người vỗ tay ầm ĩ.  Rồi anh Châu bảo các nhà toán học đứng trên đảo Robert cầm dây giúp (và bắt đầu kéo hai tàu gần nhau), để anh ấy có thể đi sang Ấn Độ nhận giải thưởng Fields.
Câu chuyện kết thúc tại đây.
Chứng minh “Bổ đề cơ bản” là một trong những thành công lớn nhất của toán học hiện đại, được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009. Vì Ngô Bảo Châu đã hoàn thành việc này, nên những năm tới đây các nhà khoa học thế giới có thể tự tin nghiên cứu sự liên quan giữa lý thuyết số học và lý thuyết nhóm. Đó thực sự là một thành đạt tuyệt vời – cả Việt Nam nên tự hào về người ném dây có tên Ngô Bảo Châu.
Joe (Dân Trí)

Biết kết quả giải thưởng Fields 4 ngày trước giờ khai mạc

Biết kết quả giải thưởng Fields 4 ngày trước giờ khai mạc
TSKH Vũ Công Lập
"Tôi nhận được email từ Tổng thư ký liên đoàn toán học thế giới vào 17h12 ngày 15/8. Vui sướng đến bất ngờ nhưng mặt khác tôi khổ sở vô cùng vì phải cam kết không tiết lộ người đoạt giải", Tiến sĩ Vũ Công Lập, người phát ngôn giải Fields 2010 ở VN chia sẻ với chúng tôi.

- Trong việc thông tin về giải thưởng Fields năm nay, ở VN, ông là người đặc biệt khi biết kết quả trước khi công bố tới 4 ngày. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Để tuyên truyền cho Liên đoàn toán học, đại hội toán và các giải thưởng thì Liên đoàn toán học phải chọn ra phóng viên tín cẩn ở các nước. Tôi đủ tiêu chí và cũng có duyên khi là người duy nhất ở VN được chọn. Tôi nhận được email từ ông Groetschel, Tổng thư ký liên đoàn toán học thế giới vào 17h12 ngày 15/8. Trong email dài 14 trang, việc Ngô Bảo Châu được vinh danh với huy chương Fields đề cập ở trang 3.
Vui sướng đến bất ngờ nhưng mặt khác tôi khổ sở vô cùng vì khi nhận văn bản ấy, tôi phải cam kết không tiết lộ, không giao dịch với ai mà không được phép của họ. Đến nỗi vợ tôi nói với con gái "ông già làm sao ấy". Ngày 19/8 khi Châu được xướng tên, tôi hạnh phúc vỡ òa. Bất ngờ hơn là tên Ngô Bảo Châu được viết đầy đủ, có dấu tiếng Việt theo đúng trật tự, chứng tỏ người ta rất trân trọng mình.
Biết Ngô Bảo Châu đoạt Fields 4 ngày trước giờ khai mạc
Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa được Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields
Đây là sự kiện lớn mà tôi cho nếu nói vĩ đại cũng không phải quá lời. Bất cứ ai bước chân vào con đường học hành, khoa học thì đều thấy danh xưng giải Nobel là choáng ngợp. Với giải thưởng "Nobel toán học", Ngô Bảo Châu đã bước sang một đẳng cấp khác trong giới khoa học.
Trong cuộc trò chuyện với giáo sư Gerard Laumon, người thầy của Bảo Châu, ông có nói, Ngô Bảo Châu đã trở thành một trong những người dẫn đầu của toán học thế giới nhưng trong một lĩnh vực rất rộng lớn của toán học chứ không phải trong một chuyên ngành. Vì chỉ khi làm chủ nhiều lĩnh vực toán mới có thể chứng minh được Bổ đề cơ bản của Chương trình Langlands. Toán có rất nhiều chuyên ngành, chỉ riêng việc đứng đầu một chuyên ngành đã là rất giỏi rồi.
- VN có những lò đào tạo trẻ tốt, đoạt nhiều giải Olympic nhưng rồi không phát triển ngang tầm những bạn đồng lứa ở các nước. Theo ông, thành tích của Ngô Bảo Châu để lại bài học gì cho việc đào tạo khoa học cơ bản ở VN?
- Giải thưởng của anh Ngô Bảo Châu không thể che lấp những khiếm khuyết của mình liên quan tới khoa học, giáo dục. Mình phải tỉnh táo nhìn ra. Thực ra, cảm xúc đầu tiên của tôi khi nghe tin Ngô Bảo Châu giành huy chương Fields là kiểm điểm lại. Nhiều thành tích VN đạt được cho đến nay như là ngôi sao chổi, lòe một cái rồi mất tăm.
Mình phải làm sao cho giải thưởng của Ngô Bảo Châu không như thế. Cơ hội nhìn thấy rất cụ thể, anh Châu bây giờ có những người bạn cùng đẳng cấp khắp thế giới. Những người bạn vì có anh Châu mà có thể đến VN trong khi trước đây thì không. Thắng lợi của Châu cũng khiến Nhà nước, Chính phủ quan tâm tới toán học hơn thì nên tận dụng tất cả cơ hội ấy.
- Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn là một người VN xuất chúng nhưng không thể hoạt động thường xuyên ở trong nước vì thiếu những điều kiện cần thiết. Ông nghĩ gì nếu liên hệ với trường hợp giáo sư Ngô Bảo Châu?
- Tôi không nghĩ Ngô Bảo Châu là người tách rời quê hương. Hồi học ở VN, bài toán, lời giải của anh, anh biếu lại các thầy với chia sẻ không biết có giúp được gì các em khóa sau. Hay bây giờ đi nước ngoài, Viện Toán học có nhu cầu mời anh về là Châu sẵn sàng về.
Anh Châu không phải là người có tuyên bố này nọ, không gắn bó với quê hương theo kiểu hình thức mà bằng việc làm. Nhờ có người học trò như Châu làm cầu nối mà những người như giáo sư Gerard sẵn sàng sang giúp Viện Toán học.
Anh Châu ở đâu tôi cho là không quan trọng. Ngô Bảo Châu có thể ở Pháp, ở Mỹ nhưng đóng góp cho VN có thể còn nhiều hơn so với việc định cư ở VN. Thế giới bây giờ khác xưa, không quan trọng làm ở đâu mà là làm được cái gì. Chẳng hạn như việc sắp tới anh ấy làm việc ở ĐH Chicago (Mỹ), lúc về VN anh gọi theo 3-4 người giỏi cỡ ngang anh cùng về giảng dạy không phải là quá tốt ư? Cho nên không quan trọng anh ấy làm việc ở VN hay làm việc ở nước ngoài.
GS Ngô Bảo Châu và bố
GS Ngô Bảo Châu và bố, ông Ngô Văn Cẩn.
- Môi trường quốc tế có vai trò rất lớn trong việc tôi rèn nên một Ngô Bảo Châu như hiện nay. Theo ông, đến bao giờ VN có thể tạo ra được môi trường tốt như vậy, để những học sinh xuất sắc không cần phải xa quê hương mà vẫn đạt được thành tựu mang tầm thế giới?
- Tôi cho là VN đang cố gắng làm điều đó. Trong chương trình phát triển toán học, hạt nhân là thành lập Viện nghiên cứu và đào tạo cao cấp về toán làm theo mô hình ĐH Princeton tức là tạo ra môi trường, tạo ra chỗ để các nhà toán học đến đây làm toán, không phải nghĩ đến những chuyện khác.
Còn tạo ra như thế nào thì tôi cho rằng bây giờ có anh Châu mình thuận lợi hơn rất nhiều. Anh có khả năng mời những vị khách đồng đẳng, mà thử nghĩ, cả 4-5 ông đoạt giải Fields cùng ngồi lại trao đổi, giảng dạy thì môi trường đào tạo nó khác hẳn.
Nhưng mặt khác, nói chuyện với các anh ở Viện Toán học, các anh cho biết, như giáo sư Laszlo Lovasz, ông đến VN không phải không sẵn lòng nhận học trò mà mình chưa chuẩn bị đầy đủ để trở thành học trò của ông ấy. Giáo sư Lovasz là Chủ tịch liên đoàn Toán học thế giới hiện nay, một người rất giỏi, cùng lứa giáo sư Ngô Việt Trung. Ông Lovasz từng 5 lần thi Olympic, 4 lần đạt huy chương vàng.
Thế nên bước chuẩn bị của Ngô Bảo Châu khi sang Pháp là rất tốt. Bây giờ VN phải chuẩn bị như thế, mình đang cố gắng tạo môi trường như thế. VN thành lập được Viện toán cao cấp, anh Châu là đồng viện trưởng thì tôi cho sẽ giải quyết được vấn đề. Toán học VN đang đứng trước những cơ hội rất thuận lợi.
- Theo ông, Chính phủ nên làm gì để tận dụng được đóng góp, chất xám của Ngô Bảo Châu mà vẫn để anh phát huy được khả năng, phát triển sự nghiệp?
- Với Châu, tốt nhất anh thích gì, muốn điều gì hay say mê gì thì cứ để cho anh theo đuổi, để mặc anh khám phá. Còn người khai thác để đem lại lợi ích cụ thể nào phải là người khác. Đừng có gợi ý, ép buộc, yêu cầu bắt Châu nghiên cứu hay làm gì để tăng năng suất lao động...
Nói một cách ví von, hãy để Châu là một người nghệ sĩ làm "nghệ thuật vị nghệ thuật". Toán học cần nhìn tổng thể, dần dần kết hợp với công nghiệp, chính trị để tạo ra động lực mới cho sự phát triển.
- Mô hình trường chuyên lớp chọn những năm gần đây có nhiều ý kiến phản đối nhưng nó lại là cái nôi đầu tiên đưa Ngô Bảo Châu đến với thành công. Quan điểm của ông thế nào?
- Tôi không phải chuyên gia giáo dục và trong thời gian gần đây ít để ý đến giáo dục phổ thông. Nhưng tôi thấy, trường chuyên lớp chọn ngày nay khác hẳn ngày xưa. Thời trước, qua các kỳ thi ở các nơi kết tinh lại một lứa tài năng. Hồi ra đời lớp toán Tổng hợp, tôi học Lý năm thứ 3 thì nghe có lớp toán đặc biệt, những học sinh của lớp là những người đặc biệt. Còn bây giờ thì đâu cũng thấy chuyên, đâu cũng thấy chọn thì không tinh túy, không tài năng như hồi xưa nữa, không còn là tinh bột mà là bột thường.
Cái thứ hai, thực tế hiện nay có khi tinh túy chả phải nhưng vẫn vào trường chuyên lớp chọn. Không như ngày xưa cụ Tạ Quang Bửu cho thi khiếp lắm, bình thường sao vào được. Có những cái chỉ dành cho một lớp người ưu tú thì đừng đem nó ra làm đại trà. Chúng ta sai là sai trong cách làm chứ không phải trong tư tưởng, phương pháp.
Phả hệ giải thưởng Fields
"
Phả hệ giải thưởng Fields
- Ông có cơ sở gì để kỳ vọng VN sẽ có thêm những Ngô Bảo Châu khác tương lai gần?
- Tôi nghĩ là có. Trong bài viết mới đây của giáo sư Ngô Việt Trung, trong sơ đồ phía trên, học trò của Laurent Lafforgue (đoạt huy chương Fields năm 2002) là Ngô Đắc Tuấn, học trò của Terence Tao (huy chương Fields năm 2006) là Lê Thái Hoàng. Đây toàn là những em đạt huy chương vàng Olympic toán. Anh Trung viết "với những người trẻ tuổi như Ngô Đắc Tuấn và Lê Thái Hoàng, biết đâu toán học VN tiếp tục nồng đượm với giải Fields...".
Hay một trường hợp khác được anh Lê Tuấn Hoa đề cập, Ngô Bảo Châu xuất sắc lắm nhưng khoảng cách với Vũ Hà Văn (con trai nhà thơ Vũ Quần Phương) không xa. Vũ Hà Văn là bạn của Terence Tao, công bố chung 15 công trình, Hà Văn ngay đằng sau Châu. Giới thiệu sơ đồ ấy cũng để mọi người thấy Ngô Bảo Châu của mình không phải là vàng bắt được mà đấy là vàng luyện hẳn hoi trong hệ thống có trục dọc, trục ngang. Anh Châu là một sản phẩm tinh túy của nền toán học Pháp. Nhưng Việt Nam đã góp phần để chuẩn bị cho anh bước chân vào môi trường đó.
MathVn.Com (Theo VNExpress)

Ngô Bảo Châu được đề nghị tặng Huân chương Hồ Chí Minh

Ngay sau khi giành giải thưởng Fields ("Nobel toán học"),GS Ngô Bảo Châu đã được đề nghị tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
Ngô Bảo Châu được đề nghị tặng Huân chương Hồ Chí Minh
Ngô Bảo Châu vừa nhận huy chương Fields vào ngày 19/8
Ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã gửi công văn và hồ sơ sang Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đề nghị tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho GS Ngô Bảo Châu. Đề nghị này đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam và Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, sáng 28/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng các sinh viên xuất sắc… sẽ ra sân bay Nội Bài để đón GS Ngô Bảo Châu.

Tối 29/8, Lễ chào mừng “Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields” sẽ được tổ chức long trọng tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 20h. [Đúng như tin mà vovnews đã đưa từ ngày 12/8. Như vậy, có phải Ngô Bảo Châu đã biết trước rằng mình đã đoạt giải Fields và thông báo cho chính khách?]

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ có buổi tiếp GS Châu trong thời gian ông lưu lại Việt Nam.

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

4 nhà Toán học được trao huy chương Fields 2010

Danh sách 4 nhà Toán học được trao huy chương Fields 2010 (Fields Medal 2010) gồm có: Elon Lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Nga), Cedric Villani (Pháp) và Ngô Bảo Châu (Việt Nam & Pháp). [Như vậy, năm nay nước Pháp có tới 2 công dân đoạt Fields Medal]. Dưới đây là đôi nét sơ lược về cuộc đời khoa học của 4 thiên tài này.

1. Cédric Villani (37 tuổi, Pháp)
Bảo vệ luận án tiến sĩ tại: Đại học Lyon (1998)
Người hướng dẫn: Pierre-Louis Lions (Huy chương Fields 1994)
Hiện tại làm việc tại Viện nghiên cứu Henri Poincaré
Giải thưởng: Herbrand Prize (2007), EMS Prize (2008), Fermat Prize (2009)

4 nhà Toán học được trao huy chương Fields 2010
Cédric Villani
Cédric Villani sinh năm 1973 tại Brive-la-Gaillarde, Pháp. Villani theo học Toán tại Đại học Lyon và nhận bằng Tiến sĩ tại đây vào năm 1998 với những nghiên cứu về Phương trình Boltzmann và Lý thuyết động lực. Người hướng dẫn của Villani chính là Giáo sư Pierre-Louis Lions (Huy chương Fields năm 1994).

Lĩnh vực nghiên cứu của Cédric Villani là Phương trình vi phân, Phương trình đạo hàm riêng và Toán Vật lý. Năm 2008, Villani là một trong 10 nhà Toán học nhận giải thưởng EMS của Hội Toán học châu Âu. Một năm sau, anh nhận giải thưởng mang tên nhà Toán học danh tiếng Fermat.

Từ năm 2009, Villani chuyển tới làm việc tại Viện nghiên cứu Toán học Henri Poincaré.


2. Stanislav Smirnov (40 tuổi, Nga)
Bảo vệ luận án tiến sĩ tại: Đại học công nghệ California (1996)
Người hướng dẫn: Nikolai Makarov
Hiện tại là Giáo sư Đại học Geneva
Giải thưởng: Giải thưởng Khoa học của Viện toán Clay (2001), Salem Prize (cùng Oded Schramm, 2001), Giải Rollo Davidson Prize (2002), Giải EMS của Hội Toán học châu Âu (2004).

4 nhà Toán học được trao huy chương Fields 2010
Stanislav Smirnov
Smirnov sinh năm 1970 tại Leningrad, Nga. Anh 2 lần nhận Huy chương Vàng với điểm tuyệt đối Toán quốc tế vào các năm 1986, 1987. Smirnov học Toán tại Đại học Saint Petersburg và nhận bằng Tiến sĩ năm 1996 tại Đại học công nghệ California, dưới sự hướng dẫn của Nikolai Makarov.

Smirnov là một người ưa xê dịch, ông từng làm việc tại Đại học Yale, Viện nghiên cứu Max Planck ở Bonn và Viện nghiên cứu cao cấp Princeton (nơi Ngô Bảo Châu từng làm việc). Năm 1998 ông tới làm việc tại Viện công nghệ Stockholm và từ 2003 trở thành Giáo sư Đại học Geneva.
Lĩnh vực nghiên cứu của Smirnov là Xác suất, Vật lý thống kê, Hệ động lực phức,... Anh nhận giải thưởng Clay khi mới tròn 31 tuổi và là một trong số những người đầu tiên và trẻ nhất có được vinh dự này.



3. Elon Lindenstrauss (40 tuổi, Israel)
Elon Lindenstrauss
Bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1999 với đề tài "Entropy properties of dynamical systems" tại Hebrew University in Jerusalem, Israel.
Giáo sư hướng dẫn: Benjamin Weiss.
Từng công tác tại: IAS Princeton, Stanford University, Courant Institute of Mathematical Sciences.
Giải thưởng: European Mathematical Society Prize (2004), Michael Bruno Memorial Award (2008), Erdos Prize, Fermat Prize (2009).

4. Ngô Bảo Châu (38 tuổi, Việt Nam)

Bảo vệ luận án tiến sĩ tại: Đại học Paris-Sud XI (1997)
Người hướng dẫn: Gérard Laumon
Hiện tại làm việc tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, từ tháng 9/2010 là Giáo sư tại Đại học Chicago
Giải thưởng: Giải thưởng khoa học của Viện Toán học Clay (2004), Oberwolfach Prize (2007)


4 nhà Toán học được trao huy chương Fields 2010
Ngo Bao Chau
Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội. Bố anh là GS.TSKH Ngô Huy Cẩn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Viện Cơ học Việt Nam. Mẹ anh là PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, chuyên ngành Hoá dược.

Ngô Bảo Châu từng là học sinh Trường thực nghiệm Giảng Võ và lớp chuyên Toán trường THCS Trưng Vương, trước khi theo học tại khối THPT chuyên - ĐHKHTN - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, anh 2 lần liên tiếp giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế, trong đó có một Huy chương Vàng với điểm số tối đa. Thành tích này giúp Ngô Bảo Châu giành được học bổng để theo học Đại học Paris 6 nhưng anh quyết định chọn Đại học Sư phạm (École Normale Supérieure).

Năm 2004, Ngô Bảo Châu cùng Gerard Laumon được trao tặng giải thưởng của Viện Toán học Clay. Năm 2005, Ngô Bảo Châu trở thành vị Giáo sư trẻ nhất của Việt Nam. Năm 2008, anh công bố lời giải Bổ đề cơ bản Langlands, được kiểm chứng vào năm 2009 và được tạp chí The Time bình chọn là 1 trong10 phát minh khoa học Thế giới năm 2009.

Ngô Bảo Châu giành giải thưởng Fields 2010 - CHÚC MỪNG

Ngô Bảo Châu giành giải thưởng Fields 2010 huy chương Fields 2010
Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận huy chương Fields từ Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil.
Cả khán phòng ở Hyderabad, Ấn Độ, rộn ràng tiếng vỗ tay khi tên của giáo sư Ngô Bảo Châu được xướng lên là một trong 4 nhà toán học giành giải Fields hôm nay.

Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới - lúc 12:55 hôm nay (giờ Hà Nội). Ngô Bảo Châu là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam giành được giải thưởng danh giá này.
Lễ khai mạc diễn ra trong buổi sáng nay (19/8/2010 từ 9h30-12h30, giờ Ấn Độ) tại thành phố Hyderabad. Ngồi trên hàng ghế ngay gần đầu trong hội trường có gia đình giáo sư Bảo Châu. Mẹ anh, phó giáo sư Trần Lưu Vân Hiền tươi tắn trong bộ áo dài truyền thống Việt Nam. Người cha - giáo sư Ngô Huy Cẩn - trang nghiêm trong bộ vest tối màu.
Cùng với GS Ngô Bảo Châu, đoạt giải Fields lần này còn có các nhà Toán học: Elon Lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Nga) và Cedric Villani (Pháp). Trái với dự đoán trước đó của nhiều người.


Tường thuật từ Đại hội Toán học Thế giới 2010 (ICM 2010):

Đúng 12h55 giờ Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu đã bước lên bục nhận giải thưởng "Nobel Toán học" Fields. Đây là thời khắc lịch sử của Khoa học Việt Nam. Ông đã làm rạng danh đất nước.


13h08: Những người chiến thắng trong cuộc bầu chọn các giải thưởng Nevanlinna, Gauss, Chern nhận phần thưởng từ Tổng thống Shrimati Pratibha Patil.


Chủ nhân giải thưởng giải thưởng Nevanlinna. 

13h00:
Cùng với GS Ngô Bảo Châu, 3 nhà Toán học trẻ khác cũng được trao tặng giải thưởng Fields.


Giáo sư Ngô Bảo Châu bên cạnh 2 người đạt giải khác.

Hình ảnh 3 chủ nhân giải thưởng Fields.







12h55: Giáo sư Ngô Bảo Châu chính thức được xướng tên tại HICC. Ngô Bảo Châu xếp thứ 2 trong danh sách 4 người đoạt giải Fields 2010.


GS Ngô Bảo Châu nhận giải từ Tổng thống Ấn Độ. 

12h50: Một Giáo sư trong Ủy ban bầu chọn giải Fields công bố danh sách những người đoạt giải thưởng danh giá này.

12h45: Chủ tịch Ủy ban bầu chọn giải Fields - Giáo sư László Lovász, Chủ tịch Hội Toán học thế giới phát biểu.


Giáo sư László Lovász đánh giá cao vai trò của Toán học Ấn Độ đối với Toán học thế giới. 


GS Ngô Bảo Châu ngồi ở hàng ghế đầu trong Trung tâm hội nghị HICC. (GS Châu là người ngồi thứ hai từ trái sang)

12h35: Tổng thống Patil và Ủy ban bầu chọn các giải thưởng IMU Awards lên sân khấu chào các đại biểu, chuẩn bị cho màn trao giải Fields,...


Lễ chào cờ trước khi công bố giải Fields.


Hai thành viên Ủy ban bầu chọn giải Fields.


Tổng thống Patil công bố các Giáo sư trong Ủy ban bầu chọn giải.


Các thành viên Ủy ban bầu chọn giải thưởng.
12h25: Các đại biểu yên lặng lắng nghe giai điệu nhạc dân gian Ấn Độ. Sân khấu Trung tâm HICC sẽ là nơi vinh danh những nhà Toán học nào trong phần trao giải Fields?
12h20: Bài phát biểu dài 20 phút của bà Patil đã kết thúc. Các đại biểu được nghe một giai điệu nhạc dân gian truyền thống của Ấn Độ.

12h10:
Máy quay lia tới khu vực gia đình những người nhận giải thưởng IMU Awards. Chúng ta chưa thấy hình ảnh thân phụ và thân mẫu GS Ngô Bảo Châu. GS Châu có nhận được giải Fields hay không vẫn còn là một bí mật.


Gia đình những người nhận giải thưởng IMU Awards. Chúng ta chưa thấy hình ảnh thân phụ và thân mẫu GS Ngô Bảo Châu. GS Châu có nhận được giải Fields hay không vẫn còn là một bí mật.

12h00: Phiên họp toàn thể khai mạc ICM 2010 bắt đầu.

Mở đầu Đại hội, bà Shrimati Pratibha Patil, Tổng thống  Cộng hòa Ấn Độ có bài phát biểu khai mạc, chào đón các nhà Toán học đến Ấn Độ dự ICM 2010. Theo bà Pratibha Patil, Ấn Độ tự hào được trở thành chủ nhà của sự kiện Toán học trọng đại 4 năm mới có một lần này.


Tổng thống Pratibha Patil phát biểu khai mạc Đại hội. 
11h30: Trước ngày khai mạc ICM 2010, Ban tổ chức quyết định lùi lịch làm việc lại 1 giờ. Do đó, buổi họp báo công bố chủ nhân các giải IMU Awards sẽ được lùi lại tới 15h30 (giờ Việt Nam), trong khi Lễ khai mạc ICM 2010 bắt đầu từ lúc 12h.

11h30, các đại biểu tham dự ICM 2010 đã có mặt đông đủ tại hội trường HICC. Hơn 3000 nhà Toán học được thưởng thức các điệu nhạc truyền thống của nước chủ nhà Ấn Độ.


Các nhà Toán học tranh thủ trao đổi trước giờ khai mạc. 


Hội trường HICC được lấp đầy bởi hơn 3000 nhà Toán học.

11h00: Có hơn 3.000 nhà Toán học trên khắp thế giới đã có mặt ở HICC, Ấn Độ để tham dự sự kiện được tổ chức với chu kỳ 4 năm một lần này. Đại hội Toán học thế giới (2010) là kỳ Đại hội thứ 3 được tổ chức tại châu Á.


GS Ngô Bảo Châu ngồi ở hàng ghế đầu trong Trung tâm hội nghị HICC.

Ngô Bảo Châu đoạt huy chương Fields 2010 - Ngo Bao Chau gianh giai thuong Fields 2010 - Ngo Bao Chau Fields Medallist 2010.

Chương trình Langlands và vật lý (Đàm Thanh Sơn)

Chương trình Langlands và vật lý Đàm Thanh Sơn
Bài viết "Chương trình Langlands và vật lý" của GS-TS. Đàm Thanh Sơn - một người bạn của Ngô Bảo Châu. Đàm Thanh Sơn là nhà Vật lý trẻ tuổi tài năng của Việt Nam, hiện đang giảng dạy ở ĐH Washington, Mỹ.
Trước hết, chúng ta nhắc lại một số thức phổ thông về tương tác điện từ.
Chắc ai cũng nhớ định luật Coulomb: hai điện tích e_1e_2 tương tác với nhau bằng lực
F = e_1 e_2/r^2
Nếu e_1 va e_2 cùng dấu thì đây là lực đẩy, còn nếu e_1e_2 ngược dấu thì nó là lực hút. Ta sẽ viết công thức này theo một cách khác. Do công (tức là năng lượng) = lực \times quãng đường, thế năng giữa hai hạt đó bằng:
U = e_1 e_2/r
Bây giờ giả sử ta giam hai hạt có điện tích e ở trong một cái hộp có kích thước mỗi chiều là r.
Theo công thức trên thế năng của hai hạt là khoảng e^2/r. Động năng thì là bao nhiêu? Theo lý thuyết lượng tử, khi một hạt bị giam vào một cái hộp như vậy, thì nó không thể nào đứng yên. Nguyên lý bất định của Heisenberg cho biết là xung lượng p của hạt này phải lớn hơn \hbar/r, trong đó \hbar là hằng số Planck: p> \hbar/r.
Một hạt có xung lượng thì phải có năng lượng. Theo quan điểm của thuyết tương đối thì năng lượng và xung lượng được hợp nhất thành một vectơ 4 chiều: (E, cp), trong đó c là tốc độ ánh sáng.  Không gian này là không gian Minkowski, ở đó độ dài của véctơ đó là (E^2 -(cp)^2)^{1/2} (chú ý dấu trừ!). Một hạt có khối lượng là m thì độ dài của véctơ này là mc^2:
E^2-(cp)^2 = m^2c^4
Giả sử kích thước của hộp r rất nhỏ, khi đó p lớn hơn nhiều mc, và E\approx cp.
Như vậy nếu ta có hai hạt bị giam vào một hộp kích thước r, động năng của chúng ít nhất sẽ là \hbar c/r, và thế năng là e^2/r. Tỷ lệ (thế năng)/(động năng) bằng e^2/(\hbar c), không phụ thuộc và kích thước của hộp. Thay thế giá trị của e, \hbar, c trong tự nhiên vào, con số này bằng 1/137 (chính xác hơn là 1/137.036)  Thế năng nhỏ hơn động năng khoảng 100 lần. Đây là một hằng số cơ bản của tự nhiên, vì lý do lịch sử, nó được gọi là “hằng số cấu trúc tinh tế”. Hầu như tất cả mọi thứ quanh ta (kể cả hóa học, sinh vật học) đều phụ thuộc vào hằng số này. Ví dụ ta có khoảng 100 nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn chính là do nghịch đảo của hằng số này bằng khoảng 100.
Tuy thế trong tự nhiên có một điểm rất lạ mà không ai giải thích được: đó là điện tích của tất cả các hạt đều bằng một số nguyên nhân cho điện tích cơ bản. Điện tích cơ bản là 1/3 điện tích electron. Các hạt quark có thể có điện tích 2 lần hay 1 lần điện tích cơ bản nhưng không có hạt nào có điện tích, ví dụ, bằng 1/4 hay \pi lần điện tích của electron.
Tại sao lại như vậy? Năm 1931 Paul Dirac đưa ra một lời giải thích hết sức đặc sắc. Ông ta giả thiết thế giới không những chỉ có điện tích, mà có cả “từ tích”. Từ tích, hay còn gọi là đơn cực từ, là nguồn của từ trường. Bình thường một nam châm bao giờ cũng có cực bắc và cực nam.
Ta cứ tưởng tượng có thể tách hai cực của nam châm ra khỏi nhau, thì hai phần đó là hai đơn cực từ. Đơn cực từ chỉ mang một cực, hoặc là bắc, hoặc là nam, cũng như điện tích có thể dương, có thể âm.
Ta sẽ bàn việc đơn cực từ có tồn tại thật trong vũ trụ không sau đây một chút.
Hai đơn cực từ cũng tương tác với nhau giống như định luât Coulomb, nhưng ta thay điện tích bằng từ tích: F=m_1 m_2/r^2. Nhưng Dỉrac tìm ra là khi ta lấy một cặp bất kỳ bao gồm một điện tích e và một từ tích m, cơ học lượng tử đòi hỏi tích của em phải là một số nguyên lần \hbar c/2:
e m = \frac n2 \hbar c, \qquad n\in \mathbb{Z}
Như vậy chỉ cần trong vũ trụ có một từ tích có giá trị bằng m, thì tất cả các điện tích phải là bội của \hbar c/2m. Điều này giải thích tại sao các điện tích phải là bội của một điện tích cơ bản. Ngược lại, nếu e là điện tích nhỏ nhất trong thiên nhiên, thì tất cả các từ tích phải là bội của \hbar c/2e.
Lời giải thích này của Dỉrac hết sức thông minh, nhưng cho đến nay ta vẫn chưa tìm thấy từ tích nào trong vũ trụ. Cũng có thể chúng rất nặng, nên các máy gia tốc chưa tạo ra được chúng.
Nhưng trên giấy các nhà vật lý lý thuyết có thể “sáng tạo” ra những thế giới mới trong đó có cả điện tích lẫn từ tích. Một trong những thế giới này gọi là “N=4 supersymmetric Yang-Mills theory” (N=4 SYM), một lý thuyết trường có nhiều tính chất lý thú. Một trong những tính chất này được các nhà vật lý gọi là “đối ngẫu”: người ta nghĩ rằng N=4 SYM với điện tích cơ bản e và từ tích cơ bản bằng m có thể biến đổi thành N=4 SYM với điện tích cơ bản m, từ tích cơ bản e, bằng một phép đổi biến.  Đối ngẫu này trong vật lý được gọi là đối ngẫu điện từ, hay đối ngẫu Montonen-Olive, hay đối ngẫu S. Nó là một giả thuyết chưa ai chứng minh được chặt chẽ, mặc dù có nhiều lý do để ta tin nó là đúng.
Theo lời kể của Edward Witten thì năm 2004, sau khi nghe Ben-Zvi, ông ta đã hiểu rằng đối ngẫu Montonen-Olive này có liên quan đến đối ngẫu Langlands hình học.  Sau đó Kapustin và Witten viết một bài báo dài hơn 200 trang giải thích sự liên quan này. Tất cả những điều này tôi chỉ biết rất lờ mờ thôi, nhưng có vẻ chương trình Langlands có liên hệ mật thiết với một số tính chất cơ bản, và còn phần nào bí hiểm, của một số lý thuyết trường. Kapustin và Witten viết: “the geometric Langlands program for complex surfaces… can be understood as a chapter in quantum field theory.”
Xin cáo lỗi các bạn vì không thể giải thích công trình của Kapustin và Witten chi tiết hơn được. Hy vọng đến một lúc nào đó tôi sẽ hiểu tốt hơn.
Có thể trong tương lai công trình của Ngô Bảo Châu sẽ nằm trong cơ sở của các sách giáo khoa vật lý!
Theo Đàm Thanh Sơn