Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Nguyễn Duy Thái Sơn và hai học trò giành huy chương bạc IMO 2010

Chiều 19/7, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cùng hàng trăm thầy trò trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn vui mừng đón hai học sinh của thành phố dự kỳ thi Olympic toán quốc tế (IMO) 2010 lần thứ 51 tại Astana, Kazakhstan với thành tích là hai tấm huy chương bạc.
nguyen duy thai son chuyen le quy don da nang
Hai thí sinh của trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn tham dự kỳ thi lần này là Nguyễn Việt Cường (học sinh lớp 12A2) và Phạm Kiều Hiếu (lớp 12A1). Cả hai học sinh này đều có hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, và có một điểm chung là rất say mê môn Toán.

Ngay từ nhỏ, Phạm Việt Cường đã tự nhận thức mình phải nỗ lực học tập để không phụ công cha mẹ. Ông Phạm Văn Mẫn, ba của Cường cho biết, Cường rất chăm chỉ học tập. Em ham học đến mức nửa đêm thấy bài toán khó chưa giải xong vẫn còn điện thoại để trao đổi với thầy giáo.

Thành tích học tập của Cường rất đáng nể. Chỉ duy nhất năm học lớp 1, Cường là học sinh khá, 11 năm còn lại em luôn là học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 10, Cường đoạt giải nhì môn Toán cấp thành phố; năm lớp 11 đoạt giải nhất môn Toán cấp thành phố; năm lớp 12 giành giải nhất môn Toán cấp thành phố, giải ba môn Toán cấp quốc gia và huy chương bạc môn Toán Olympic Quốc tế.

Cường cho biết, em muốn trở thành một nhà nghiên cứu khoa học. Trước mắt, trong năm học tới em sẽ đăng ký vào học Khoa Điện tử Viễn thông, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Còn Nguyễn Kiều Hiếu sống với người mẹ đã về hưu, nên cuộc sống cũng khá khó khăn. Hiếu bảo có được thành tích này là nhờ sự động viên hàng ngày của người mẹ khắc khổ của mình, cùng với sự truyền nhiệt huyết học Toán của người thầy giáo dạy Toán của mình.

Cả 12 năm học, Hiếu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Trong ba năm học trung học phổ thông, Hiếu đã giành một giải nhì và hai giải nhất môn Toán cấp thành phố, giải ba môn toán quốc gia và giờ là huy chương bạc Olympic Toán quốc tế. Dự tính của Hiếu trong năm học tới, Hiếu sẽ theo học Cử nhân tài năng Toán tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thầy giáo Nguyễn Duy Thái Sơn, người đã truyền niềm đam mê học toán cho hai học sinh và cũng là người đi cùng hai em tham dự kỳ thi cho biết, trong hai huy chương bạc của học sinh Đà Nẵng giàn được lần này, trường hợp của Nguyễn Kiều Hiếu hơi tiếc một chút. Nếu còn thêm một chút thời gian nữa, Hiếu sẽ giành được thêm điểm ở câu số 6 và chắc chắn đoàn Việt Nam sẽ có thêm huy chương vàng.

Thầy Sơn tâm sự: “Tôi chỉ đóng góp một phần nhỏ vào thành tích này là tạo cho các em niềm tin, tạo cho các em tình yêu môn Toán, còn lại đều là nỗ lực của các em".

Chuyện TS Toán học Nguyễn Duy Thái Sơn đi dạy phổ thông
nguyen duy thai son chuyen le quy don da nang
TS Toán học Nguyễn Duy Thái Sơn

"Tôi có những học trò rất đam mê Toán học. Dạy các em, tôi thấy mình làm được những điều có ích", tiến sĩ Nguyễn Duy Thái Sơn chia sẻ lý do vì sao đường đường là một tiến sĩ từng giảng dạy và nghiên cứu ở Ý, Mỹ, Áo, Nhật, đang công tác ở Viện Toán học, lại chấp nhận về dạy phổ thông.
Anh cũng là một trong số ba tiến sĩ được "hút" về Đà Nẵng theo chính sách thu hút nhân tài và là giáo viên phổ thông duy nhất được mời vào Ban đề thi và chấm thi trong kỳ thi Toán quốc tế lần thứ 48 tổ chức ở Việt Nam vừa qua. "Tất nhiên trong thỏa thuận hợp đồng với Sở Nội vụ, tôi có thể đi sau năm năm làm việc hoặc hơn", TS Sơn giải thích.

Quê Bình Định, tốt nghiệp và được giữ lại giảng dạy ở ĐH Huế năm 1985. Năm 1997, TS Sơn nhận lời mời sang thỉnh giảng nửa năm ở ĐH Ohio; kết thúc đợt giảng dạy đó, anh được phía bạn mời ở lại tiếp tục giảng dạy thêm nửa năm nữa. Hồ sơ gia hạn cần có xác nhận (đồng ý trên nguyên tắc) của Đại sứ quán VN tại Washington trước khi được gửi về nước.
Thủ tục này đòi hỏi thời gian, vì thế hồ sơ gia hạn của anh bị chậm khi về đến ĐH Huế và đã không được chấp thuận. Trong thời gian này, anh nhận được một học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ của Hội Xúc tiến Khoa học Nhật Bản (JSPS), nhưng mãi đến khi rời Mỹ về nước để xin phép đi Nhật, anh mới biết hồ sơ gia hạn gửi từ Mỹ của anh chưa được chấp thuận, do đó mọi thủ tục liên quan đến chuyến đi Nhật đều bị “ách tắc”.
Khi hạn nhận học bổng đã cận kề, Nguyễn Duy Thái Sơn quyết định sang Nhật. Ở đó hai năm, anh lại nhận thêm một học bổng của Áo rồi mới trở về làm việc tại Viện Toán học.

Thời gian này, do hoàn cảnh gia đình, nên khi biết về chính sách thu hút nhân tài của TP, TS Sơn đã quyết định đầu quân về dạy Toán tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Đã có một số lời mời về làm việc ở ĐH Đà Nẵng, ĐH Quy Nhơn (hiện, anh vẫn thường xuyên lên thỉnh giảng cho Khoa Điện tử Viễn thông - ĐH Đà Nẵng), nhưng anh vẫn chọn ở lại dạy Toán phổ thông.

"Nhiều người ngạc nhiên về sự lựa chọn của tôi? Ở Đà Nẵng, điều kiện làm việc, nghiên cứu cũng không thể sánh được với điều kiện ở hai thành phố lớn, và nhiều khó khăn khác..., nhưng cách đối xử của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tinh thần ham học hỏi của học trò đã giữ chân tôi ở lại".

Trực tiếp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã gặp gỡ và mời TS Sơn về Đà Nẵng. Gương mặt Nguyễn Duy Thái Sơn đặc biệt hứng khởi khi nói về những đêm 1, 2 giờ sáng còn điện thoại với học trò chỉ để chia sẻ niềm vui giải xong một bài toán hóc búa!
 Anh cũng kể lại câu chuyện, có một cậu học trò xuất sắc quê Quảng Ngãi trước khi chuẩn bị nhận học bổng của tỉnh để đi du học (và học xong sẽ phải quay về tỉnh) đã gọi điện hỏi xin ý kiến tư vấn của anh. Lời khuyên và những câu chuyện của anh đã khiến cậu học trò thay đổi quyết định, tìm một hướng đi khác cho mình.
MathVn.Com được biết thêm, thầy Nguyễn Duy Thái Sơn đã được tôn vinh là "nhà giáo được học sinh yêu quý nhất năm học 2009-2010" của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng.
Vietnam+/VNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét