Hơn 50 tuổi đời, hơn 30 năm làm trong cơ quan đầu ngành về Toán học của Việt Nam, GS.TSKH Ngô Việt Trung - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam luôn mang một nỗi trăn trở về những người kế cận, về niềm đam mê Toán học của lớp trẻ bây giờ.
May mắn đến từ những bất hạnhTự nhận mình là người gặp nhiều may mắn từ thuở nhỏ, cả giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2009 vừa nhận được ông cũng coi đó là một sự may mắn, song GS.TSKH Ngô Việt Trung chưa bao giờ “dựa dẫm” vào cái sự may mắn ấy mà chỉ coi đó là “món quà” do số phận mang lại cho mình.
Quê ông (xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam) là nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều người tài của đất nước như Hoàng Diệu, Phan Thanh, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phan Diễn, Hoàng Tuỵ... Ông bảo rằng mình học giỏi là nhờ gen của người cha. Cha ông học rất giỏi, đã từng đứng đầu kỳ thi Toán Đông Dương. Hồi đó, gia đình nghèo túng, cha ông được dân làng góp tiền thêm để theo học ở trường Quốc học Huế. Cha ông là một tấm gương sáng, song người đầu tiên dạy dỗ ông học hành lại là một người bác họ. Người bác này từng là một thầy giáo rất nghiêm khắc nên việc học hành của ông được ông bác chú ý rèn nắn hết mực.
GS.TSKH Ngô Việt Trung - Viện trưởng Viện Toán học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Namđược trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2009 trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên về Toán học.
Cái duyên Toán học đến với ông một cách rất tình cờ, chính ông cũng không nhớ rõ. Mang máng trong đầu ông bây giờ là hình ảnh cuốn sách “Toán học vui” ông vô tình tìm thấy trong nhà khi ông học lớp 2. Cuốn sách có nhiều bài toán đố, ô chữ toán học... hấp dẫn khiến ông khi ấy chăm chú, ngấu nghiến đọc. Từ chỗ học theo để đi đố lại bạn bè, ông đã thành thục nhiều phép toán, các mẹo làm toán trong ấy. Và sau này, suốt thời tiểu học, ông không gặp khó khăn nào trong việc học toán cả.Tuổi thơ của ông gắn với nhà trẻ và những chuyến sơ tán. Bố mẹ ông đi công tác suốt, lúc đầu còn gửi ông ở nhà bác họ, sau rồi đành để ông ở nhà trẻ cho tiện. Nhà trẻ liên tục chuyển địa điểm do chiến tranh, ông cũng phải “hành quân” nhiều bận. Đến mỗi làng mới, khi đi học, ông lại bị bọn trẻ trong làng trêu chọc vì cái chân bị liệt của mình.
Về cái chân ấy, ông cho rằng đó là may mắn lớn đầu tiên trong đời mình. Hồi 3 tuổi, ông bị bại liệt cùng bao người khác trong một đợt dịch bệnh kinh hoàng. Mẹ ông vốn là y tá quân đội đã cấp cứu cho ông kịp thời, giữ lại được mạng sống nhưng nửa người bên trái của ông bị liệt hoàn toàn. Sau này tập luyện mãi mới hồi phục được, nhưng cái chân trái vẫn bị liệt suốt đời.
Đầu lớp 7, cậu bé Trung phải khập khễnh lê bước trên con đường mấp mô hơn 5 cây số đến trường, cứ đi một đoạn lại phải nghỉ lấy sức. Vì thế mà chân cậu bị vẹo đến mức phải dùng nạng mới đi lại được những năm sau đó. Cuối lớp 7 ông về học ở quê ngoại (xã Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội). Tại đây ông được chọn đi thi học sinh giỏi môn Toán. Đang muốn từ bỏ vì đường đi thi quá xa thì người thầy dạy toán của ông đã lấy xe đạp chở ông gần chục cây số đi thi. Nếu như không có người thầy ấy, có lẽ năng khiếu Toán học của ông không bao giờ được khơi dậy. Dù không được giải trong kỳ thi đó nhưng ông vẫn được chọn vào đội tuyển của huyện, rồi thi đỗ vào lớp chuyên Toán Hà Nội thuộc trường phổ thông 3B.
Tại đây, ông được rèn luyện trong một môi trường sư phạm thực sự, được một người thầy rất giỏi tận tâm chỉ bảo. Nhìn những người bạn cùng lớp vừa phải học vừa phải tăng gia, trong khi mình không thể làm gì với cái chân bị liệt, ông tự nhủ mình phải học thật giỏi để bù lại. Đầu năm lớp 10, ông bị một chảy máu màng não suýt chết, phải nằm viện 4 tháng.
Ra viện, bác sỹ chủ nhiệm khoa dặn bố mẹ ông không cho ông học tiếp nữa, đặc biệt là học Toán. Ông cố xin bố mẹ trở lại nơi sơ tán, hứa chỉ ở đó chứ không học. Nhưng rồi niềm đam mê Toán học đã giúp ông vượt lên số phận. Ngay sau khi trở lại trường một thời gian, ông đoạt giải nhất Kỳ thi toán học sinh giỏi toàn miền Bắc và đỗ đầu trong kỳ thi tuyển đi học nước ngoài.
Thêm một lần, số phận thử thách ông khi ông bị từ chối đi học nước ngoài vì cái chân liệt phải đi nạng. Đúng thời gian đó, một đoàn đại biểu của Đức sang làm việc tại Việt Nam. Cố Bộ trưởng Bộ Đại học Tạ Quang Bửu đã đàm phán xin cho ông sang Đức học toán. Tại Đức, ông đã hoàn thành xuất sắc luận án đại học và được chọn học chuyển tiếp lên Tiến sỹ. Sau khi về nước năm 1978, ông làm việc trong Viện Toán học từ đó cho đến nay.
Hạnh phúc là được theo đuổi niềm đam mê
Đến giờ, GS. Trung vẫn nhớ như in những ngày đầu mới về Viện Toán học làm việc. Đó là một thời kỳ vô cùng khó khăn. Viện còn rất trẻ, thiếu thốn đủ thứ, từ tài liệu nghiên cứu cho đến cả giấy trắng cũng không có. Mọi người, trong đó có ông, mỗi khi đi công tác đều cố gắng mang về những tài liệu mới do chính tay mình chép lại từ nước ngoài. Mỗi tháng, một cán bộ của Viện chỉ được phát có vài gam giấy đen, viết được một mặt.
"Hạnh phúc là được theo đuổi niềm đam mê".
Ông phải cóp nhặt từng trang giấy trắng để đánh máy các công trình gửi đi nước ngoài. Mỗi lần gửi đi, gửi lại phải mất đến cả năm trời mà lúc nào cũng thấp thỏm sợ công trình bị thất lạc. Chính trong những ngày tháng đầy gian khổ ấy, GS.TSKH Ngô Việt Trung đã có nhiều công trình đăng trên các tạp chí toán học quốc tế. Năm 1983, ông được phong hàm Phó Giáo sư khi vừa tròn 30 tuổi, và đến năm 38 tuổi, ông được phong hàm Giáo sư - là giáo sư trẻ nhất thời đó.Công tác tại Viện Toán học đã hơn 30 năm, hơn 2 năm trong vai trò Viện trưởng, ông luôn băn khoăn, day dứt, trăn trở về tương lai cơ quan đầu ngành của Toán học Việt Nam. “Nếu cứ đà này thì chẳng mấy năm nữa, Viện Toán sẽ thiếu hụt nghiêm trọng những người có khả năng kế nhiệm những người đi trước, nhiều hướng nghiên cứu truyền thống không còn nữa.” Ông chua xót đưa ra một so sánh về Toán học Việt Nam và thế giới: “Năng lực nghiên cứu của cả ngành Toán học Việt Nam chỉ bằng một trường đại học vào loại trung bình ở phương Tây.”
Lý giải cho sự so sánh trên, ông cho rằng trong khi kinh tế ngày một phát triển thì Toán học Việt Nam lại gần như giậm chân tại chỗ. Những người đi du học ít khi chọn con đường trở về phục vụ tổ quốc không chỉ vì vấn đề tài chính mà còn vì họ không nhìn thấy tương lai của mình khi quay về. Lương trung bình của một nhà khoa học trong Viện Toán chỉ bằng người lái xe ôm, lương của Viện trưởng còn kém thu nhập lái xe taxi - như so sánh của GS Trung. Với một mức lương như vậy, liệu có bạn trẻ nào an tâm làm khoa học? Ngoài vấn đề lương bổng còn có vấn đề về vai trò và vị trí của người làm khoa học trong hệ thống xã hội.
“Tôi biết lớp trẻ bây giờ có rất nhiều người giỏi, nhiều em rất đam mê Toán học. Song để hướng các em đi đúng đường và để đảm bảo cho các em có thể theo đuổi niềm đam mê ấy không phải là điều đơn giản. Các trường đại học bây giờ nhiều nhan nhản, nhưng tôi có cảm giác người ta lập trường ra chỉ để cấp bằng cho người đi học chứ không phải là để đào tạo ra được những con người có trí thức.”
Ngẫm lại cuộc đời mình, ông chia sẻ: “Lớp trẻ bây giờ phần nhiều học một cách thụ động, ít người chủ động tìm hiểu xem mình phải học gì và học như thế nào cho tốt. Đặc biệt phải chịu khó mở rộng kiến thức của mình. Đã làm khoa học thì phải kiên trì mới thành công. Trong cuộc đời, được theo đuổi niềm đam mê của mình là một hạnh phúc không phải ai cũng có được.”
GS Ngô Việt Trung - Viện trưởng Viện Toán học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam được trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2009 trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên về Toán học. Ông đã hoàn thành xuất sắc các công trình nghiên cứu về Đại số giao hoán. Các kết quả của GS.TSKH Ngô Việt Trung đã được đã được công bố trong 86 bài báo đăng ở những tạp chí toán học quốc tế, trong đó có 74 bài báo thuộc danh mục ISI. Chỉ tính từ năm 2000 đến đây đã có hơn 600 bài báo của các tác giả khác trích dẫn các bài báo của ông. Hầu hết các sách giáo khoa và chuyên khảo hay các hội nghị về Đại số giao hoán trong khoảng 20 năm gần đây đều nhắc đến các công trình của ông. |
Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét