Sau phản ánh về giải bài toán phép cộng con gà ở sách bài tập lớp 3, tác giả soạn vở nói sẽ sửa trong lần tái bản tới. Giáo viên tiểu học cho hay, khi dạy toán theo chương trình mới, vẫn phải áp đặt vì nếu để tự do thì trẻ sẽ không biết cách trình bày.
HS tiểu học |
Tác giả phân trần
Một bạn đọc có con đang theo học lớp 3 ở trường chuẩn quốc gia Hà Nội thắc mắc về điều chưa ổn của 1 bài toán trong sách tham khảo.
Giải thích chuyện học sinh không giải được bài toán, ông Nguyễn Ngọc Hải, tác giả cuốn bài tập nói rõ, Nhà Xuất bản đã cắt bớt dòng. "Theo bài tập đó, tôi đã ghi, học sinh phải có 6 dòng để thực hiện phép tính".
Bài toán số 1, trang 14 cuốn "Bài tập cuối tuần Toán 3" (tập 2 - tái bản lần thứ 2) như sau: "Một trại chăn nuôi ngày thứ nhất bán được 1072 con gà trống và 347 con gà mái; ngày thứ hai bán được 421 con gà trống và 178 con gà mái. Hỏi trong cả hai ngày trai chăn nuôi đó bán được tất cả bao nhiêu con gà?". Xem phản ánh đầy đủ Tại đây |
Tuy nhiên, khi trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Quốc Hồng, Phó Giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội (NXB Giáo dục Việt Nam), nơi chịu trách nhiệm nội dung cuốn "Bài tập cuối tuần Toán 3" cho hay, "chúng tôi chỉ đưa ra các yêu cầu cấu trúc về đề cương và nội dung còn khi triển khai cụ thể hoàn toàn do tác giả".
Còn theo ông Nguyễn Xuân Bình, biên tập viên của công ty, người biên tập cuốn sách này trước khi đưa vào in ấn thì "mới đây, tác giả đã liên hệ với tôi và nói rằng, bài này tính gộp thì 4 dòng là đủ. Còn làm theo cách thông thường và diễn giải ra thì thiếu 2 dòng".
"Khi biên tập sách, chúng tôi hoàn toàn tôn trọng ý kiến tác giả. Lỗi này có thể khi chế bản, dòng này dòng kia có những chỗ bị xê dịch đi 1-2 chỗ nào đó", ông Bình giải thích.
Giáo viên thử giải
Cô Vũ Kim Oanh, giáo viên Trường tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cuốn "Bài tập cuối tuần Toán 3" các giáo viên trong trường không dùng, chỉ sử dụng sách giáo khoa và động viên học sinh, phụ huynh làm thêm bài tập trong cuốn "vở bài tập" Toán, Tiếng Việt ở nhà. Nếu có thêm bài thì dành cho HS giỏi, do cô giáo tự ra đề.
"Nhiều quyển sách, chúng tôi cũng gặp phải trường hợp như thế này. Ngay bài tìm x ở bên dưới (bài số 2 cùng trang - PV), HS trình bày cũng sẽ rất khó", cô Oanh nói.
Theo cô Oanh, "bài toán con gà" sẽ được dạy trên lớp như sau: dòng trên viết câu lời giải, dòng dưới viết phép tính. Còn với trường hợp cụ thể này, nếu không đủ dòng, có thể viết sát vào lề và viết phép tính lên trên.
"Điều này không bắt buộc, miễn là trình bày bài rõ ràng, sạch sẽ và phép tính đầy đủ. Học sinh khá, giỏi sẽ vẫn làm được" - cô Oanh nói.
"Có khi sách viết tốt và chuẩn, nhưng chưa có sự đồng nhất giữa giáo viên và nhà viết sách. Do đó, không tránh được khiếm khuyết".
"Vẫn phải áp đặt"
Cô Vũ Kim Oanh bắt đầu dạy tiểu học từ năm 1993. Theo cô, phương pháp dạy theo sách mới đã hơn phương pháp cũ, phát huy được thế mạnh của HS. Bắt HS phải hoạt động và động não nhiều, không bị áp đặt như trước đây. Do đó, các hoạt động đoàn thể cũng mạnh dạn hơn.
Câu chuyện "bài toán con gà lớp 3" chỉ là một ví dụ về dạng bài của chương trình tiểu học mới.
Một giáo viên tiểu học, là tổ trưởng tổ dạy toán cho hay, khi dạy bài mới và dạng mới, giáo viên "phải áp đặt".
Ví dụ ở lớp 1, bắt đầu giải bài Toán có lời văn, sau khi làm thành thạo thì mới "tung" ra cách sáng tạo cho các cháu. Nếu không áp đặt, học sinh sẽ không biết cách trình bày. Ví dụ: cách lùi vào bao nhiêu ô, câu lời giải ngắn có thể lùi 3 ô, dài lùi 1 ô, tùy từng thời điểm, khối lớp. Đến lớp 3, sau kỳ nghỉ hè dài, cô phải nhắc lại cách viết câu lời giải. Với học sinh học lực trung bình, giáo viên phải nhắc nhiều hơn nếu không các cháu sẽ viết lung tung.
Sẽ điều chỉnh vở bài tập "Đây là lần xuất bản thứ 3 (tái bản lần 2 - PV) nhưng chưa nhận được phản hồi về vấn đề này", ông Nguyễn Xuân Bình cho biết. Ông cũng phân trần: "Không phải vì tham khảo mà chúng tôi làm không kỹ, đặc biệt là sách của trẻ nhỏ. Những cái còn tồn tại thế này là sơ suất". Đồng tác giả cuốn sách, ông Nguyễn Ngọc Hải nhận sai và hứa sẽ đề xuất với nhà xuất bản để chỉnh sửa trong lần tái bản cuối vì trong sách đó không chỉ một bài này mà còn 1 bài khác cũng bị trường hợp tương tự. Về việc bất tiện của giấy khi viết vào bị nhòe, thấm mực, ông Bình cũng nhận lỗi là chưa kiểm tra lại. Dù trước đó ban biên tập sách đã đề nghị với nhà in là phải dùng loại giấy để viết được (vì đây là một loại vở). Tuy nhiên, sau 3 lần in chưa có ý kiến phản ánh về vấn để này nên chưa chỉnh sửa. "Sau phản ánh này chúng tôi sẽ tiếp thu và sửa", ông Bình nói. |
- Viet Nam Net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét