Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2010

Đề thi học sinh giỏi môn Toán năm 2010 và lời giải

Tuyển tập đề thi và lời giải của các đề thi học sinh giỏi môn Toán cấp Tỉnh năm 2010.
Tác giả: Trần Nam Dũng và các cộng sự
Click vào đây để tải về: Download
Xem thêm: Đề thi học sinh giỏi môn Toán năm 2009 của các 21 tỉnh thành

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

Khi nào Einstein thế hệ kế tục sẽ xuất hiện?

Các bước đột phá lớn trong khoa học là lĩnh vực của các cá nhân chứ không phải của viện nghiên cứu. Galileo, Copernicus, Edison và Einstein đã phải lao động trong phòng thí nghiệm riêng hay suy tư về vũ trụ trong các nghiên cứu cá nhân. Nhưng trong những thập kỷ gần đây, đặc biệt là từ sau thành công phóng vệ tinh Sputnik của Xô Viết vào năm 1957, xu hướng đã tạo ra nhiều viện nghiên cứu lớn thúc đẩy sự hợp tác và những khoản tài trợ lớn.

Hiện nay đạt được bước tiến khoa học lớn trở nên khó khăn hơn. Một nghiên cứu của các nhà khoa học giành được giải thưởng Nobel năm 2005 phát hiện thấy tích lũy kiến thức qua thời gian buộc các khối óc lớn lao động nhiều hơn trước khi họ đạt được đột phá. Kỷ nguyên mà các nhà tư tưởng tạo ra phát kiến vĩ đại đã tăng 6 năm trong thế kỷ 20. 

Đừng vội đặt ra ngoài các thiên tài riêng lẻ lúc này

Sự cân bằng giữa phương pháp cá nhân và phương pháp của viện nghiên cứu là một ý kiến tốt nhất, theo giả thuyết của kỹ sư Adrian Bejan thuộc Đại học Duke – người cho rằng các viện nghiên cứu được lợi ích nhiều nhất từ sự đồng tồn tại của các nhóm lớn tự tổ chức và các nhà khoa học đơn lẻ đưa ra những sáng kiến vĩ đại.

Bejan viết trên số ra tháng 12 tờ International Journal of Design & Nature and Ecodynamics rằng: “Lịch sử thành tựu khoa học được đánh dấu bởi các nhà nghiên cứu riêng lẻ, từ Archimedes đến Newton và Darwin. Các nhà tư tưởng độc lập rất có ảnh hưởng xuyên suốt tiến trình lịch sử bởi bản thân khoa học tự nhiên đã có lợi đối với trí óc của họ cũng như sự phồn vinh của xã hội. Mặc dù xu hướng thiên về các nhóm nghiên cứu lớn, cá nhân vẫn luôn hưng thịnh”.

Thế nhưng quan niệm về thiên tài đơn lẻ được đánh giá hơi quá mức, ngay cả các thiên tài cũng xác nhận điều này.

Như Isaac Newton chẳng hạn, ông nói rằng ông không có thành tựu gì trong nghiên cứu của mình, ví dụ như quy tắc chuyển động và trọng trường đó là bằng cách “đứng trên vai những người khổng lồ”.

Áp lực Xô Viết

Tiến trình nghiên cứu hiện đại thay đổi bất ngờ sau ngày 4 tháng 10 năm 1957, khi Xô Viết cũ trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu Sputnik vào vũ trụ. Sự kiện đã châm ngòi cho quá trình phát triển ngoạn mục trong nguồn tài trợ Hoa Kỳ cho các nhóm nghiên cứu lớn thuộc viện nghiên cứu. Mô hình này được các viện nghiên cứu nhỏ hơn áp dụng, họ cũng đồng thời hình thành nhóm nghiên cứu lớn hơn để thu hút tài trợ.

Tuy nhiên, các nhà tư tưởng lớn độc lập không hề biến mất. Bejan cho rằng họ vẫn tiếp tục phát triển. Ông nghĩ rằng giả thuyết xây dựng của ông ra đời vào năm 1996 có thể giải thích lý do.

Khi nào Einstein thế hệ kế tục sẽ xuất hiện ?

Giả thuyết công bố rằng cái gọi là hệ thống chảy tiến hóa để cân bằng và tối thiểu hóa tính không hoàn hảo, làm giảm xích mích và các hình thức kháng cự khác sao cho lượng năng lượng sử dụng thất thoát ít nhất. Các ví dụ trong tự nhiên bao gồm các dòng sông, con suối bồi đắp nên đồng bằng hoặc các đường khí phức tạp trong lá phổi.

Trong nghiên cứu do con người tiến hành, Bejan nhận thấy có hai dòng chảy chính: dòng ý tưởng dưới dạng phát hiện khoa học, và dòng hỗ trợ được đo bởi các tác nhân hữu hình như quỹ tài trợ và phòng thí nghiệm.

Ông nói: “Các nhóm nghiên cứu thành công là các nhóm tự phát triển và biến đổi qua thời gian. Ví dụ, một cá nhân nảy ra ý tưởng mới, anh ta nhận được tài trợ, và một nhóm nghiên cứu bắt đầu hình thành liên quan đến ý tưởng đó. Điều này tạo nên một khuôn khổ trong đó nhiều nhóm nhỏ đóng góp vào ý tưởng chung”.

Biệt giam

Bejan nghĩ rằng cực đoan không có lợi cho khoa học.

Ông nói: “Nếu một viện nghiên cứu chỉ bao gồm các nhà nghiên cứu đơn lẻ, nó sẽ có nhiều ý tưởng nhưng lại có ít hỗ trợ. Mặt khác, một nhóm lớn vì lợi ích số đông sẽ có nhiều hỗ trợ nhưng lại có ít sáng kiến hơn tính theo số lượng nhà nghiên cứu”.

Vấn đề này là hình ảnh thu nhỏ của nghiên cứu kiểu Xô Viết cũ, nơi mà chính phủ đặt ra mục tiêu và phạm vi nghiên cứu, đồng thời quy định cấu trúc nguyên khối với các nhà khoa học có cùng mục đích.

Không có sự bất đồng thừa kế nào giữa các đế chế nghiên cứu và các cá nhân, mà là sự cân bằng để phục vụ cho lợi ích lớn hơn.Do đó, các nhà quản lý viện nghiên cứu cần phải thoải mái hơn với các cá nhân có ý tưởng lớn.

Bejan cho biết: “Tôi cho rằng những người quản lý ép buộc cộng sự của họ làm việc theo nhóm lớn chỉ để thu hút tài trợ, để tăng lý lịch của họ hoặc để tốn nhiều giấy hơn. Họ đang hoạt động đối lập với bản chất tự tổ chức của viện nghiên cứu cũng như nghiên cứu. Sự liên kết tuyệt đối trong các nhóm lớn không xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra”.

Einstein thế hệ kế thừa?

Một số người lập luận rằng bản chất của thiên tài là cái không thể hủy bỏ hoặc không thể ngó ngàng tới.

Một nghiên cứu kéo dài 35 năm công bố vào năm 2006 về trẻ em có năng khiếu toán học bẩm sinh sẽ sống như thế nào trong cuộc đời của chúng đã tiết lộ thành phần của một bộ óc vĩ đại nhiều sáng kiến: khả năng nhận thức, cơ hội giáo dục, niềm đam mê và chăm chỉ làm việc. Không phải tất cả mọi người khi sinh ra thông minh rồi sẽ trở thành thiên tài.

Vậy khi nào Einstein thế hệ kế tục sẽ xuất hiện?

Đó là một câu hỏi mà ngay cả Einstein cũng không thể trả lời. Nhưng theo các đối thủ thiên tài vĩ đại khác của Einstein, hai thập kỷ phân cách giữa Einstein và Newton chẳng có nghĩa lý gì. Điều đó có nghĩa là Einstein hậu thế có thể đang là một đưa trẻ sơ sinh hoặc cũng có thể chưa ra đời.

Có phải thiên tài mới làm Toán?

Câu trả lời là hoàn toàn KHÔNG. Để có những cống hiến tốt và hữu ích cho toán học, bạn cần phải làm việc chăm chỉ, nghiên cứu sâu một lĩnh vực, tìm hiểu các lĩnh vực và các công cụ khác, đặt câu hỏi, nói chuyện với các nhà toán học, và suy nghĩ về những "bức tranh lớn". Và tất nhiên, một lượng đủ trí thông minh, kiên nhẫn, và cẩn thận cũng là các yêu cầu. Điều đó không có nghĩa là cần một tố chất thiên tài kì diệu mà từ đó sinh ra các cái nhìn sâu sắc, các lời giải xuất thần cho các bài toán, hoặc những khả năng siêu nhiên khác.
 có phải thiên tài mới làm Toán
Hình ảnh phổ biến về các thiên tài cô độc (và có thể hơi điên) - những người bỏ qua các sách vở và các quy ước và điều khiển bởi một số nguồn cảm hứng không thể giải thích được từ đó tìm ra một lời giải tuyệt vời cho một bài toán làm ngỡ ngàng tất cả các chuyên gia - không những là một hình ảnh duyên dáng và lãng mạn, mà còn là một hình ảnh cực kì không chính xác, ít nhất là trong thế giới của toán học hiện đại. Đúng là ta có các kết quả và hiểu biết ngoạn mục, sâu sắc và đáng chú ý trong toán học, nhưng chúng là những thành công vất vả và thành tựu đó có được nhờ sự tích luỹ trong nhiều năm, nhiều thập kỷ, hoặc thậm chí nhiều thế kỷ với sức làm việc bền bỉ và sự tiến bộ của nhiều nhà toán học giỏi và vĩ đại; việc chuyển biến từ giai đoạn hiểu biết này sang giai đoạn khác là không tầm thường, và đôi khi khá bất ngờ, nhưng vẫn xây dựng dựa trên nền tảng của công việc trước đó chứ không phải là hoàn toàn bắt đầu từ đầu. (Chẳng hạn với công việc của Wiles trong Định lý cuối cùng của Fermat, hoặc của Perelman với giả thuyết Poincaré.)

Thực ra, tôi tìm thấy thực tế của những nghiên cứu toán học ngày nay - trong đó những tiến bộ là có được một cách tự nhiên là hệ quả của công việc khó khăn, trực tiếp bằng trực giác, các tài liệu chuyên ngành, và một chút may mắn - là thoả đáng hơn rất nhiều so với hình ảnh lãng mạn tôi có trước đó là một sinh viên toán đạt được thành tựu từ các nguồn cảm hứng thần bí của một số dòng máu "thiên tài" quý hiếm. Việc "sùng bái thiên tài" trong thực tế gây ra một số vấn đề, vì không ai có thể sản xuất (rất hiếm) nguồn cảm hứng về bất cứ điều gì khi tiếp cận một cách thường xuyên, và với độ chính xác hoàn toàn đáng tin cậy. (Nếu ai đó có ảnh hưởng đến như vậy, tôi khuyên bạn nên hoài nghi về các tuyên bố của họ.) Áp lực cố gắng hành xử theo điều không tưởng này có thể làm cho một số người bị ám ảnh với "những bài toán lớn" hoặc "học thuyết lớn", những người khác mất mọi nghi ngờ đúng đắn trong nghiên cứu hoặc trong các công cụ của họ, và một số người khác chán nản khi tiếp tục nghiên cứu toán học. Ngoài ra, việc cho rằng sự thành công từ tài năng bẩm sinh (ra khỏi tầm kiểm soát) chứ không phải là do nỗ lực, làm việc theo kế hoạch, và giáo dục (trong vòng kiểm soát) có thể dẫn đến một số vấn đề khác.

Tất nhiên, ngay cả khi bác bỏ khái niệm của thiên tài, vẫn còn đó suy nghĩ, một số nhà toán học nhanh hơn, nhiều kinh nghiệm hơn, hiểu biết hơn, hiệu quả hơn, cẩn thận hơn, hoặc nhiều sáng tạo hơn những người khác. Tuy nhiên điều này không bao hàm chỉ các nhà toán học "tốt nhất" mới nên làm toán, đây là sai lầm chung do hiểu nhầm giữa lợi thế tuyệt đối lợi thế cạnh tranh. Các lĩnh vực nghiên cứu và các vấn đề toán học thú vị để nghiên cứu là rất rộng lớn - vượt xa tầm thâu tóm của các nhà toán học "tốt nhất", và đôi khi trong tập hợp các công cụ hay ý tưởng rằng bạn sẽ tìm thấy cái gì mà các nhà toán học giỏi khác có bỏ qua, đặc biệt ngay cả các nhà toán học lớn nhất vẫn còn có những điểm yếu trong một số khía cạnh của nghiên cứu toán học. Miễn là bạn có giáo dục, có đam mê, và một lượng tài năng thích hợp, sẽ có một số phần của toán học, nơi bạn có thể tạo ra các đóng góp liên tục và hữu ích. Nó có thể không là phần quyến rũ nhất của toán học, nhưng thực tế điều này cũng không tệ, trong nhiều trường hợp các điều cơ bản tầm thường của một vấn đề lại trở nên thực sự quan trọng hơn bất kỳ các ứng dụng ưa thích nào. Mặt khác, đúc rút các kinh nghiệm từ các phần không hấp dẫn của một lĩnh vực là cần thiết trước khi có bất kỳ cơ hội để tấn công những bài toán nổi tiếng trong lĩnh vực nào đó; hãy xem các ấn phẩm đầu tay của bất kỳ nhà toán học vĩ đại thời nay để kiểm chứng những gì tôi nói.

Trong một số trường hợp, nhiều tài năng "chưa qua xử lý" trở nên thực sự có hại cho sự phát triển của toán học lâu dài của một người; nếu các lời giải cho các bài toán đến quá dễ dàng, ví dụ như, người đó không cần đặt nhiều năng lượng nhiều vào làm việc chăm chỉ, đặt các câu hỏi ngớ ngẩn, hoặc mở rộng phạm vi của mình, và vì thế cuối cùng các kỹ năng của người đó bị kìm hãm. Hơn nữa, nếu một người quen với sự thành công dễ dàng, họ không thể phát triển đủ tính kiên nhẫn cần thiết để đối phó với vấn đề thực sự khó khăn. Tài năng là quan trọng, tất nhiên, nhưng làm thế nào để phát triển và nuôi dưỡng nó càng quan trọng hơn.

Nên nhớ rằng toán học chuyên nghiệp không phải là một môn thể thao (tương phản sắc nét với các cuộc thi toán học). Mục tiêu trong toán học không phải là để có được thứ hạng cao nhất, "điểm số" cao nhất, hoặc giải thưởng cao nhất, thay vào đó là sự gia tăng hiểu biết về toán học (cả cho chính bạn, và cho đồng nghiệp và sinh viên của bạn), và để gánh vác một phần sự phát triển và các ứng dụng của nó. Để thực hiện những công việc này, toán học cần tất cả những người tốt mà nó có được.
(Theo VnMath.Com, dịch từ blog của Terry Tao)

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

Ngô Bảo Châu làm giáo sư Toán tại Đại học Chicago

Nhà toán học Ngô Bảo Châu, người có công trình được vinh danh là phát hiện khoa học quan trọng nhất của năm, vừa nhận lời mời làm giáo sư tại Đại học Chicago, Mỹ.

Theo tờ Newswise, Ngô Bảo Châu chấp nhận quyết định bổ nhiệm vào ngày 25/1. Anh sẽ trở thành giáo sư toán của trường từ ngày 1/9/2010.

“Rõ ràng đây là một trong những nhà toán học xuất sắc nhất thời đại của chúng ta. Tôi kỳ vọng những điều thực sự lớn lao từ người thanh niên này”, Robert Fefferman, giáo sư toán kiêm trưởng khoa Vật lý của Đại học Chicago, phát biểu.

Ông Peter Constantin - trưởng khoa Toán của Đại học Chicago - nhận xét: "Ngô Bảo Châu đã đạt được những thành tựu đột phá. Công trình của cậu ấy là cầu nối giữa hai lĩnh vực (số học và hình học)".

Ngô Bảo Châu, 37 tuổi, được tạp chí Time tôn vinh sau khi anh chứng minh được bổ đề cơ bản trong "chương trình Langlands". Nếu chương trình Langlands được giải quyết, loài người sẽ gần như có được một cái nhìn thống nhất cho nhiều ngành của toán học hiện đại như số học, đại số và giải tích. Khi công trình của Bảo Châu - bao gồm gần 200 trang - được xác nhận là đúng, giới toán học khắp thế giới đã thở phào nhẹ nhõm.

“Cơ hội cộng tác chặt chẽ hơn với các đồng nghiệp tại Đại học Chicago đóng vai trò quan trọng đối với quyết định tới Chicago của tôi. Mọi người đang giải quyết một số vấn đề cơ bản nhất trong toán học tại khoa Toán của Đại học Chicago”, Bảo Châu tâm sự.

Ngô Bảo Châu, sinh năm 1972, từng học khối phổ thông chuyên toán của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mùa hè 1988, anh tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại Australia và giành huy chương vàng. Mùa hè năm sau anh tiếp tục giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tại Đức. Cũng trong năm 1989 Châu sang Pháp để học tại Đại học Paris 6. Anh bảo vệ luận án tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại Đại học Sư phạm Paris - ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp. Năm 2003, ở tuổi 31, anh hoàn thành luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) tại Đại học Paris 11. Đầu năm sau anh trở thành giáo sư của đại học này.

Vào năm 2004 anh đã nhận giải thưởng nghiên cứu hàng năm của Viện Toán học Clay, Mỹ dành cho những người đạt thành tựu xuất sắc nhất trong năm nhờ giải quyết một trường hợp đặc biệt của “chương trình Langlands”. Mỗi năm chỉ có một hoặc hai người được trao giải và Châu là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này.

Sau khi nhận giải thưởng Clay, anh được Viện nghiên cứu khoa học cao cấp tại Princeton của Mỹ mời sang làm việc. Viện này là nơi quy tụ nhiều nhà toán học và nhà vật lý hàng đầu thế giới, trong đó nhiều người từng đoạt giải Nobel và giải Fields. Châu còn nhận được giải thưởng của Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach dành cho các nhà toán học trẻ châu Âu vào năm 2007 và giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp vào năm 2008.

Nguồn: VNExpress

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2010

52 đề Olympic Toán 2000 và lời giải


Tuyển tập 52 đề Olympic Toán năm 2000 và lời giải.
Được tổng hợp bởi thầy Nguyễn Hữu Điển.
Download theo liên kết ở đây: Download

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

Isaac Newton và giai thoại quả táo rơi

Những tài liệu được viết bằng tay, miêu tả chi tiết về việc nhà khoa học Isaac Newton đưa thuyết vạn vật hấp dẫn sau khi ông chứng kiến những trái táo rơi từ trên cây xuống đất, đã lần đầu tiên được Hội Hoàng gia Anh cho công bố trên Internet.

Mô tả ảnh.

Tài liệu miêu tả khoảnh khắc nhà khoa học Newton phát hiện ra thuyết vạn vật hấp dẫn là một phần trong cuốn sách dày 1752 trang về tiểu sử các nhà khoa học vĩ đại của tác giả William Stukeley. Cho đến trước thời điểm công bố rộng rãi, cuốn sách quý hiếm này vẫn được lưu giữ tại Hội Hoàng Gia (Royal Society).

Bản báo cáo viết tay này là một trong số những tài liệu về Newton được công khai trên internet bởi Viện Hàn lâm Anh quốc nhân kỷ niệm 350 năm thành lập viện này.

Lord Rees, chủ tịch Hội Hoàng Gia, nói: “Cuốn sách của Stukeley cung cấp những thông tin giá trị và chính xác về tiểu sử của các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới. Tôi rất vui khi cuốn sách này được số hóa và đưa lên mạng. Điều này sẽ cho phép mọi người có thể dễ dàng tiếp cận với những tài liệu viết tay có một không hai này”.

Stukeley cũng sinh ra ở Lincolnshire và đã sử dụng quan hệ này để kết bạn với Newton. Stukeley đã vài lần trò chuyện với anh bạn thâm niên hơn kia, và hai người gặp nhau đều đặn vì là thành viên của Hội Hoàng gia, và trao đổi với nhau. Vào một dịp đặc biệt trong năm 1726, Stukeley và Newton đã có một buổi ăn tối chung với nhau ở London.

“Sau buổi tối, tiết trời đang ấm áp, chúng tôi đã tản bộ ra vườn và uống trà dưới tán một số cây táo, chỉ có ông và tôi”, Stukeley viết trong tập bản thảo viết tay kĩ càng mà Hội Hoàng gia cho công bố.


Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Isaac Newton và những trang viết về ông của Stukeley

“Giữa những bài thuyết giảng khác, ông bảo tôi, ông lại ở trong tình huống tương tự, như trước đây khi ý tưởng về lực hấp dẫn xuất hiện trong đầu của ông. Tại sao quả táo đó luôn luôn rớt thẳng đứng xuống đất, ông tự nghĩ mãi; nhân lúc một quả táo rơi xuống, khi ông ngồi trong tư thế suy tư.

“Tại sao nó không rớt sang bên, hay rớt lên trên cao? Mà cứ luôn phải rớt xuống tâm trái đất? Nhất định lí do là trái đất đã hút nó xuống. Phải có một sức mạnh hút kéo nào đó ở vật chất. Và tổng sức mạnh hút kéo trong vật chất của trái đất phải nằm ở tâm của trái đất, chứ không nằm ở bất kì chỗ nào khác của trái đất.

“Vì thế, quả táo này có rơi vuông góc hay tiến về phía tâm ấy hay không? Nếu vật chất theo cách đó hút lấy vật chất, thì nó phải tỉ lệ với lượng của nó. Do đó, quả táo hút lấy trái đất, đồng thời trái đất hút lấy quả táo”.

Tác giả Stukeley cũng thu thập các tư liệu về thời niên thiếu của Newton trong thời gian định cư và học ở Grantham, Lincolnshire. Trong đó, một câu chuyện đã ghi lại rằng lúc nhỏ nhà bác học Newton đã dựng được một mô hình của cối xay gió và làm nó hoạt động như cối xay gió thực.

Khiêu vũ và âm nhạc giúp học sinh hứng thú học Toán

Các trường học ở Anh đang phải “nhờ cậy” đến kịch, âm nhạc và khiêu vũ để kích thích niềm say mê của học sinh đối với các môn học như toán và khoa học, Cơ quan Chứng nhận Tiêu chuẩn Giáo dục Anh (Ofsted) cho biết.



Học sinh Anh đóng kịch trong ngày Giáng sinh. (Ảnh: Oakfieldhouseschool)

Các giáo viên Anh đang dần từ bỏ những phương pháp giảng dạy truyền thống như nói và viết vì nhận thấy chúng không còn khiến học sinh yêu thích những môn học khô cứng nữa.
Một trường học thậm chí đã tổ chức hẳn một sự kiện Tuần lễ Thời trang Luân Đôn để giúp học sinh học về công nghệ và khoa học phía sau lĩnh vực thời trang.
Ofsted cho biết một trường trung học đã sử dụng trống để nêu bật mối quan hệ giữa các con số trong môn Toán. Học sinh được khuyến khích học theo nhịp trống để có thể nhớ được bảng cửu chương nhanh hơn, nâng cao khả năng nhớ các con số.
Bản báo cáo của Ofsted còn tiết lộ phương pháp mà một giáo viên thường sử dụng là một điệu nhảy để giúp các học sinh phát triển sự hiểu biết của họ về liên kết hóa học trong một bài học. Tương tự, một trường phổ thông cũng cho phép học sinh đóng kịch tội phạm giả để giúp các em có hứng thú với việc học pháp luật hơn.
Tuy nhiên, những tiết lộ này cũng làm dấy lên nỗi lo lắng về việc nội dung trọng tâm của các môn học đã bị sao nhãng và các em học sinh không còn được tiếp thu chúng đúng cách.
Anastasia de Waal, đứng đầu một viện nghiên cứu, cho biết: “Tôi cảm thấy lo lắng về ý tưởng này với mục đích khiến cho việc giảng dạy thú vị hơn và để thu hút các em học sinh nhưng các giáo viên lại phải hạ thấp trình độ của các bài học”.
Nhưng Patrick Leeson, giám đốc của Ofsted cho rằng “những phương pháp sáng tạo” sẽ giúp các môn học trở nên “gần gũi và thu hút” học sinh hơn.
Bản báo cáo của Ofsted dựa trên kết quả thanh tra 44 trường học ở Anh chỉ ra rằng những phương pháp theo xu hướng mới mang lại kết quả tốt đẹp ngoài sự mong đợi. Tại một trường học, chứng chỉ GCSE (tương đương bằng tốt nghiệp THCS ở Việt Nam) tăng gấp đôi trong ba năm sau khi nhà trường áp dụng những phương pháp giảng dạy mới.
Tuy nhiên, bản báo cáo cũng cảnh báo một số giáo viên đã không thể đẩy mạnh việc áp dụng phương pháp giảng dạy sáng tạo hơn bởi họ nghi ngờ điều đó khiến học sinh không thể vượt qua các kì thi.

Võ Hiền, DanTri


262 đề tuyển sinh vào lớp 10 THPT - môn Toán

Bộ 262 đề tuyển sinh môn Toán vào lớp 10 của nhiều trường THPT trong toàn quốc.
Download tại đây (MediaFire link, 2.2 MB): 262 De tuyen sinh lop 10 THPT mon Toan

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

Nguyên hàm, tích phân và ứng dụng - Trần Sĩ Tùng

Một tập tài liệu về Nguyên hàm, tích phân được soạn thảo công phu của thầy Trần Sĩ Tùng. Bao gồm tóm tắt lý thuyết, phương pháp giải, phân loại các dạng toán liên quan đến nguyên hàm tích phân,... dày 152 trang, dung lượng 1 MB.
nguyen ham tich phan va ung dung - tran si tung
Chắc chắn đây sẽ là tập tài liệu hữu ích cho học sinh 12 và các giáo viên Toán.
Download ở đây: Nguyen ham, tich phan va ung dung - Tran Si Tung

Xem thêm các tài liệu hay về tích phân:
1. Bài giảng Tích phân - Phạm Kim Chung ,
2. Bất đẳng thức tích phân - Nguyễn Phú Khánh

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

GS Hoàng Tụy - vượt Trường Sơn tầm sư học đạo

Giới toán học thế giới coi ông là “cha đẻ của tối ưu toàn cục”, người mở đường cho một chuyên ngành toán học mới.

Nổi tiếng trên thế giới, rồi mới được trong nước chú ý tới


Một ngày đầu năm, tôi đến thăm GS Hoàng Tuỵ tại nhà riêng ở phố Đội Cấn, Hà Nội. Ông đã “ngoại bát tuần” nhưng vẫn khoẻ, sáng suốt, dồi dào sức sáng tạo. Tờ Journal of Optimization Theory and Applications (Tạp chí Tối ưu hoá lý thuyết và ứng dụng) trong những số gần đây vẫn đăng các công trình mới của ông. Ông vẫn được mời sang Pháp, Mỹ cộng tác nghiên cứu...
GS Hoang Tuỵ làm việc tại nhà riêng. Ảnh HC

Cứ mỗi lần gặp GS Tuỵ, tôi lại nhớ đến câu nói của anh bạn tôi, một tiến sĩ khoa học toán học: “Ông Tuỵ nổi tiếng ở nước ngoài có phần còn hơn ở trong nước; nổi tiếng trên thế giới, rồi mới được trong nước chú ý tới!”

Năm 1990, Tiến sĩ Neal Koblitz, cựu sinh viên Đại học Harvard, giáo sư Đại học Washington, sang thăm Việt Nam. Trở về Mỹ, ông viết một bài báo tiếng Anh dài tới 30 nghìn từ, chiếm 19 trang tạp chí, kèm theo 10 bức ảnh, 1 tấm bản đồ và 3 bức biểu đồ, đăng trên tờ The Mathematical Intelligencer (Người đưa tin toán học). Đây là tờ tạp chí của nhà xuất bản lớn bậc nhất thế giới về khoa học và kỹ thuật Springer - Verlag (mà bạn đọc chủ yếu là các nhà toán học chuyên nghiệp ở tất cả các nước). N. Koblitz đặt tên cho bài báo: Hồi ức về toán học ở một đất nước bị phong tỏa.

Tác giả dành phần lớn bài báo để kể tỉ mỉ về quê hương, dòng họ, thời niên thiếu, thanh niên cũng như quá trình học tập, sáng tạo của nhà toán học Hoàng Tuỵ mà nhiều kết quả trong lĩnh vực lý thuyết tối ưu toàn cục được coi là kinh điển, được thừa nhận rộng rãi ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...
Bài báo lớn của một giáo sư toán học Mỹ làm cho tên tuổi Hoàng Tuỵ càng trở nên nổi tiếng trong giới toán học quốc tế. Cho đến lúc đó, ở nước ta, chưa hề có một bài báo nào bằng tiếng Việt viết về GS Tuỵ dài và sâu như thế!

Đó là một “luận cứ” khiến anh bạn tôi cho rằng “ông Tuỵ nổi tiếng ở nước ngoài có khi còn hơn ở trong nước!...”. Và còn nhiều “luận cứ” khác nữa.

Hội thảo quốc tế mừng thọ “cha đẻ của tối ưu toàn cục”

Hoàng Tuỵ sinh ngày 27/12/1927, vậy mà, ngay từ mấy tháng đầu năm 1997, giới toán học quốc tế trong chuyên ngành của ông đã sốt sắng chuẩn bị một hình thức đầy ý nghĩa mừng ông thọ 70 tuổi: tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế ở Thụy Điển.

Đầu năm 1997, tôi được anh bạn tiến sĩ khoa học kia đưa cho xem bản thông báo sau đây mà anh nhận được qua Internet:

“Nhân dịp mừng sinh nhật lần thứ 70 của GS Hoàng Tuỵ, người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát, một cuộc hội thảo ba ngày sẽ được tổ chức tai Viện Công nghệ Linkoping, Thuỵ Điển với chủ đề: Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục.”

Bản thông báo cho biết đây là cuộc hội thảo nhằm vinh danh GS Hoàng Tuỵ (Workshop in Honor of Prof. Hoang Tuy) diễn ra tại Thuỵ Điển từ ngày 20 đến 22/8/1997. Các nhà toán học muốn dự cần gửi bản tóm tắt công trình của mình chậm nhất vào ngày 1/6/1997 để kịp tập hợp in thành một cuốn sách đề tặng GS Hoàng Tuỵ (dedicated to Prof. Hoang Tuy).

Sau khi hội thảo kết thúc, cuốn sách được Kluwer Academic Publishers, cũng là một nhà xuất bản lớn về khoa học và kỹ thuật trên thế giới, ấn hành ở Boston (Mỹ), London (Anh), Dordrecht (Hà Lan) và nhiều nơi khác.

Năm 2007, mừng GS Hoàng Tuỵ 80 tuổi, giới toán học quốc tế lại tổ chức tại Pháp một cuộc hội thảo về tối ưu toàn cục để vinh danh ông một lần nữa.

Hoàng Tuỵ được coi là “cha đẻ của tối ưu toàn cục” (the father of Global Optimization). Ngày nay, bất cứ ai trên thế giới muốn đi vào chuyên ngành này, đều phải học những điều đã trở thành kinh điển như Tuy’s cut (lát cắt Tuỵ), Tuy-type algorithm (thuật toán kiểu Tuỵ), Tuy’s inconsistency condition (điều kiện không tương thích Tuỵ...

Cuốn sách toán tiếng Anh do GS Hoàng Tuỵ viết chung với GS Reiner Horst (CHLB Đức) nhan đề Global Optimization - Deterministic Approches (Tối ưu toàn cục - tiếp cận tất định) dày 694 trang, được nhà xuất bản Springer - Verlag in lần đầu năm 1990, lần thứ hai năm 1993, lần thứ ba (có sửa chữa) năm 1996.

Đây là cuốn sách chuyên khảo đầu tiên có hệ thống về chuyên ngành này. Do vậy, GS Hiroshi Konno, người Nhật Bản, mới nhận xét: Cuốn sách ấy “được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là cuốn Kinh thánh của chuyên ngành tối ưu toàn cục” (was appreciated by many researchers as the Bible of global optimization), và, trên thực tế, nhiều người bắt đầu các công trình nghiên cứu nghiêm túc của mình về tối ưu toàn cục là nhờ “được cuốn sách mở đường ấy cổ vũ” (motivated by this path-breaking book).

Cách đây mấy năm, tờ báo điện tử Operation-Research Bulletin (Bản tin Vận trù học), diễn đàn của các nhà vận trù học châu Á - Thái Bình Dương, số tháng 9/2002, đã ra một chuyên đề về GS Hoàng Tụy, gồm nhiều bài và ảnh: bài của TS Takahito Kuno phỏng vấn GS Hoàng Tuỵ; bài hồi ức của TS Taketomo Mitsui nhan đề Prof. Hoang Tuy - A Prominent Applied Mathematician (GS Hoàng Tuỵ - Nhà toán học ứng dụng lỗi lạc); bài hồi ức của GS Hiroshi Konno nhan đề A Tribute to Prof. Hoang Tuy (Để tỏ lòng tôn kính GS Hoàng Tuỵ); cùng một số bức ảnh GS Tuỵ chụp chung với các nhà toán học Nhật Bản, do TS Takahito Kuno chọn và giới thiệu dưới tiêu đề Santa Claus Coming from a Southern Country (Ông già Noel đến từ một đất nước phương nam). Chẳng là vì GS Tuỵ có mái tóc trắng như tuyết và cứ mỗi lần đến Nhật Bản lại mang tới cho các nhà toán học xứ sở hoa anh đào nhiều ý tưởng mới hấp dẫn như những món quà mà Ông già Noel mang lại. Qua số báo, các nhà toán học Nhật Bản muốn tỏ bày lòng ngưỡng mộ đối với nhà toán học Việt Nam lão thành.

Vượt Trường Sơn tầm sư học đạo


Đối với thế hệ trẻ trước đây và hôm nay, cuộc đời GS Hoàng Tụy luôn là một tấm gương sáng chói về lòng say mê khoa học, về ý chí kiên cường vượt qua mọi trở lực, khắc phục khó khăn để thực hiện cho kỳ được ước mơ tha thiết từ thuở thiếu thời.

Xuất thân từ dòng họ vị Phó bảng yêu nước Hoàng Diệu, ngay khi còn học trường làng ở Xuân Đài (Quảng Nam), cậu bé Tuỵ đã tỏ ra rất thông minh, học rất giỏi cả văn và toán. Ra Huế, vào Trường Quốc học, anh Tuỵ vẫn giỏi cả văn và toán. Nhưng, về sau, anh dành nhiều thời gian hơn cho môn toán vì bắt đầu mơ ước trở thành nhà toán học.

15 tuổi, anh mắc phải chứng tức ngực, khó thở, liệt một phần cơ thể, phải bỏ học hơn một năm ở Trường Quốc học Huế. Khi khỏi bệnh, không muốn lưu ban, anh đành ra học trường tư. Nhưng rồi anh “nhảy” hai lớp, “liều” thi tú tài toán. Nào ngờ chàng thư sinh “nhảy cóc” kia lại đỗ và, hơn nữa, đỗ... thủ khoa Trung Bộ!

Tháng 9/1946, anh ra Hà Nội học Đại học Khoa học lúc bấy giờ do GS Nguyễn Thúc Hào làm Quyền Giám đốc và trực tiếp giảng dạy môn toán. Nhưng rồi lính mũ đỏ gây hấn ở phố Hàng Bún; xe Jeep nhà binh Pháp lồng lộn trong đêm. Trước ngày tự vệ sao vuông thành Hoàng Diệu nổ súng đánh trả quân xâm lược, anh Tuỵ dạo khắp phố hè Hà Nội, tìm mua những cuốn sách toán bằng tiếng Pháp mang về quê ở Quảng Nam để tự học dần.

Năm 1951, đang dạy tại Trường trung học Lê Khiết trong vùng tự do liên khu 5, được tin GS Lê Văn Thiêm đã rời Thuỵ Sĩ trở về bưng biền Nam Bộ, và rồi ông đã đi bộ ra Việt Bắc, anh Tuỵ liền khẩn khoản đề nghị Sở Giáo dục cho phép anh ra Tuyên Quang thụ giáo thầy Thiêm.

Tuyến đường dọc Trường Sơn ngày ấy còn là một lối mòn nhỏ hẹp len lỏi giữa rừng sâu, xe cơ giới chưa thể qua lại như đường Hồ Chí Minh sau này. Thế nhưng đã được tổ chức rất tốt. Cứ mỗi chặng 30 kilômét lại có một trạm nghỉ đêm và hôm sau có giao liên dẫn đường cho cán bộ, bộ đội đi tiếp.

Trong balô, anh Tụy chỉ mang theo gạo, muối, sách toán, và thuốc. Quý nhất là quinakrine chữa sốt rét và vitamin B chống phù nề. Ăn cơm với muối, rau rừng. Ba mối nguy hiểm chết người lúc đó là: bị quân Pháp phục kích, bị hổ vồ, và bị sốt rét ác tính. Ở miệt U Bò, Ba Rền có “ông ba mươi” đã ăn thịt mấy chục anh cán bộ, bộ đội! Thế nhưng, ta không dám nổ súng bắn hổ vì sợ lộ, máy bay địch tới ném bom. Một anh đi cuối đoàn, tụt quai hậu dép lốp, dừng chân rút lại quai, thế là bị hổ vồ, tha vào rừng!...

Ròng rã nửa năm trời cuốc bộ, anh mới ra đến Tuyên Quang. Tới nơi thì GS Thiêm đã sang Trung Quốc! Thế là anh vượt biên giới Việt - Trung đi tiếp tới Khu Học xá trung ương lúc bấy giờ đóng nhờ trên đất Trung Quốc, tại ngoại thành Nam Ninh.

Hà Nội giải phóng. Anh trở về nước, giảng bài tại Trường Đại học Khoa học. Tháng 7/1957, anh được cử sang Liên Xô thực tập.

Chỉ sau hơn một năm đến Moskva, anh viết xong luận án tiến sĩ - quãng thời gian ngắn đáng ngạc nhiên đối với một người tự học chương trình đại học.

Nhưng anh đã không mãn nguyện với tấm bằng tiến sĩ cùng lèo tèo vài ba công trình đầu tay! Chính vì vậy mà ngày nay chúng ta mới có một nhà toán học lớn với hơn 130 công trình sâu sắc, bề thế, hầu hết được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín cao.

Có thể nói, bên cạnh tư chất bẩm sinh thông minh vượt trội, thì ý chí sắt đá bất chấp mọi hiểm nguy, quyết vượt Trường Sơn tầm sư học đạo, coi học tập và nghiên cứu là lẽ sống đã giúp nhà toán học ấy đạt tới đỉnh cao vinh dự: Giải thưởng Hồ Chí Minh.

(Theo Bee.net)

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

7 năm tạp chí Tin học - nhà trường

7 nam tap chi tin hoc nha truong thnt

Đây là CD tuyển tập toàn bộ bài viết trên tạp chí Tin học và Nhà trường trong 7 năm vừa qua, như một cuốn sách điện tử lớn:

  • Là công cụ học tập, tra cứu hiệu quả cho bạn đọc thông qua các bài viết có giá trị trong nhiều lĩnh vực Công nghệ thông tin.
  • Những gợi ý, thảo luận và lời giải cho các bài thi từ tất cả các kỳ thi Tin học trong và ngoài nước: HSG Quốc gia, Olympic Sinh viên, Tin học trẻ không chuyên…
  • Toàn bộ 87 số tạp chí từ lần phát hành đầu tiên tháng 10/1999 đến số 87, tháng 12/2006 được đóng gói trọn bộ chỉ trong một CDROM.
  • Hơn 1000 bài viết trải trên 3000 trang sách với 25 chuyên mục thông tin.
  • Hơn 280 đề ra kỳ này cùng với toàn bộ lời giải chi tiết cho đến số 87, tháng 12/20006.
  • Toàn bộ các đề thi IOI quốc tế từ năm đầu tiên 1989 cho đến năm 2006 với đề bài bằng tiếng Anh, tiếng Việt và lời giải chi tiết. Toàn bộ bài tập, lời giải của 47 kỳ thi Toán học quốc tế IMO từ năm đầu tiên 1959 đến năm 2006.
  • CDROM sẽ có giao diện thân thiện đẹp mắt. Nội dung các bài viết được sắp xếp theo thời gian, theo chủ đề tùy thuộc vào lựa chọn của người dùng. Các chức năng tìm kiếm nhanh theo chủ đề, theo tên tác giả hoặc theo từ khóa sẽ được cài đặt trong phần mềm. Tất cả nội dung các bài viết đều có thể xuất ra máy in hoặc sao chép thông tin sang các phần mềm khác nếu có nhu cầu.
Download ở đây: CD 7 years Infomatic and School magazine
(VnMath.Com)