Ngày 27/4, tại TPHCM, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo Xây dựng Quy chế thi tốt nghiệp THPT Quốc gia với lãnh đạo ngành GD&ĐT của một số tỉnh thành phía Nam. Dự kiến, những nội dung của bản quy chế này sẽ được áp dụng trong kỳ thi hai trong một năm 2010.
Dự kiến, kỳ thi quốc gia hai trong một sẽ được tổ chức vào tuần thứ hai của tháng Sáu hàng năm. Quy chế xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN sẽ được áp dụng theo một quy chế khác, nhưng dự thảo cũng có đề cập và theo đó, có thể các trường sẽ tuyển sinh theo môn thi chứ không theo khối thi (A, B, C, D) như hiện nay nữa.
Những thí sinh ở trong và ngoài nước, đã học xong lớp 12 THPT hoặc tương đương, sẽ dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT, hoặc để vừa được công nhận tốt nghiệp THPT vừa được xét vào ĐH, CĐ, TCCN. Những thí sinh (TS) có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, đang học ĐH, CĐ, TCCN cũng có thể tham dự kỳ thi để lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hoặc trung cấp khác.
Theo TS. Nguyễn An Ninh – Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Bộ GD&ĐT, hình thức đề thi vẫn sẽ được giữ ổn định như năm 2007. Có bốn môn thi trắc nghiệm là vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ. Các môn khác sẽ thi theo hình thức tự luận. Cơ cấu chấm điểm sẽ là 60 phần trăm số điểm tương ứng với nội dung cơ bản trong SGK, giúp các thí sinh có học lực trung bình có thể làm được và 40 phần trăm số điểm có nội dung nằm trong chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, nhằm phân loại thí sinh vào các trường ĐH, CĐ, TCCN.
Số điểm đủ để thí sinh đỗ tốt nghiệp sẽ không là 30 điểm như hiện nay mà chỉ là 18 điểm và không có môn nào bị điểm 0. Sẽ có ba loại: trung bình (từ 18- 32 điểm), khá (lớn hơn 32- 46 điểm), giỏi (trên 46 điểm). Thí sinh sẽ dự thi sáu môn, trong đó có ba môn bắt buộc là văn, toán, ngoại ngữ; hai môn do TS tự chọn và môn còn lại do Bộ GD&ĐT quy định hằng năm. Tuy nhiên dự thảo của Bộ cũng để ngỏ: “Có thể từ năm 2010 hoặc 2011, thí sinh sẽ tự quyết cả ba môn không bắt buộc”.
Riêng những thí sinh theo học hệ giáo dục thường xuyên (GDTX), trong cơ cấu đề thi, phần để công nhận tốt nghiệp sẽ ra với nội dung nằm trong chương trình GDTX; phần đề phân loại xét tuyển ĐH, CĐ, trung cấp sẽ không phân biệt với giáo dục THPT.
Cũng theo dự thảo, thí sinh đủ điều kiện dự thi nhưng không dự thi hoặc không đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục THPT hoặc GDTX. Riêng những thí sinh dự thi nhưng không được công nhận tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ từng môn và được bảo lưu những môn có điểm từ 5 trở lên trong vòng ba năm. Trong thời gian đó, thí sinh có thể thi những môn còn lại để được công nhận tốt nghiệp.
Tuy vậy, tại hội thảo, việc Bộ GD&ĐT đề nghị xét điểm tốt nghiệp là 18 điểm cũng có nhiều điểm chưa hợp lý. Một số đại biểu cho rằng cần có điểm khống chế cho hai đối tượng tốt nghiệp khá và giỏi (dự thảo hiện chỉ yêu cầu không bị điểm 0) để tránh tình trạng học lệch ở học sinh.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại cách tính điểm khuyến khích, bởi nếu như 18 điểm được công nhận đạt tốt nghiệp mà điểm khuyến khích vẫn giữ như hiện nay (tối đa được cộng 4 điểm, gồm 2 điểm học nghề và 2 điểm HS giỏi) là quá lớn.
(Theo Tiền Phong)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét