Giáo sư I.M. Gelfand, một trong những người khổng lồ của toán học thế kỷ 20 đã qua đời, hôm thứ hai, 5/10/2009, tại bệnh viện của Trường đại học Robert Wood Johnson, bang New Jersey, Hoa kỳ ở tuổi 96. Ông là tác giả của hơn 800 bài báo, 30 cuốn sách trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau như vành định chuẩn giao hoán, lý thuyết biểu diễn, lý thuyết các hàm siêu hình học, phương trình đạo hàm riêng, … và cả trong sinh học lý thuyết. Các công trình của ông đã mở đường cho các nhà tư tưởng khác trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ vật lý đến xử lý ảnh y học.
Gelfand không đạt tới vinh quang bằng cách tấn công vào các bài toán nổi tiếng, hóc búa. Thay vào đó, ông là người tiên phong trong những lĩnh vực còn hoang sơ, đặt nền móng cho nó, sáng tạo ra các công cụ cho người khác sử dụng.
Người ta thường so sánh ông với các nhà toán học vĩ đại như Euler, Hilbert hay Poincaré. V.I. Arnold thường đối lập cách làm toán của Gelfand với Andrei Kolmorogov (thày của Gelfand) như sau: “Giả sử cả hai người cùng đi đến một miền đất hoang vu đầy núi. Kolmogorov sẽ ngay lập tức trèo lên đỉnh núi cao nhất, trong khi Gelfand sẽ bắt tay vào việc làm đường”.
Nhận xét về ảnh hưởng của công việc của Gelfand trong các lĩnh vực khác, Andrei Zelevinsky, giáo sư toán tại trường đại hoc Northeastern nói: “Các công trình mang tính tiên phong của Gelfand trong một lĩnh vực hết sức trừu tượng là lý thuyết biểu diễn hóa ra lại đóng vai trò quyết định đối với các nhà vật lý làm việc trong lĩnh vực cơ học lượng tử. Các công việc sau này của ông trong một lĩnh vực khác không chỉ trừu tượng mà còn khá lờ mờ, hình học tích phân, ngày nay lại được dùng trong việc chuyển đổi các hình ảnh thô được quét thông qua các máy chụp ảnh cộng hưởng từ hay chụp cắt lớp trong y học, thành các hình ảnh 3 chiều rõ ràng. Công cụ có yếu tố quyết định này đòi hỏi phải có một kiến thức toán học sâu sắc”.
“Ông có lẽ là con người vĩ đại cuối cùng làm việc trong hầu hết mọi lĩnh vực của Toán học”.
Ông cũng là người luôn quan tâm dìu dắt các nhà toán học trẻ, coi họ như học trò hay là những người cộng tác của minh. Nhiều người trong số họ về sau này cũng trở thành các nhà toán học lỗi lạc. Ở trường đại học tổng hợp Moscow, nơi ông dạy học trong nhiều thập kỷ, ông đã điều hành một seminar huyền thoại – Seminar Gelfand – sinh hoạt hàng tuần, ở đó thay vì các báo cáo được mời, được chuẩn bị trước thì nhiều khi đã trở thành những buổi thuyết trình toán “tùy hứng”. Vladimir Retakh, giáo sư toán tại trường Rutgers, nơi Gelfand làm việc kể từ khi sang Mỹ kể: “Đề tài cho một buổi sinh hoạt của Seminar Gelfand thường không được biết trước cho tới tận khi buổi seminar bắt đầu. Thường là qua các trao đổi trước buổi seminar, Gelfand sẽ quyết định chọn một diễn giả “tùy hứng” và một đề tài “tùy hứng”. Các thành viên seminar thường nói đùa rằng người ta không thể biết chắc chắn rằng cái gì sẽ được trình bày ở seminar, nhưng người ta có thể biết chắc chắn điều gì sẽ không được trình bày tại seminar – đó là những báo cáo đã được thông báo trước.”
Đối với diễn giả, đó sẽ là vài tiếng đồng hồ khó khăn, liên tục bị ngắt quãng bới các câu hỏi, bình luận, nhận xét và thậm chí đôi khi là cắt cụt của Gelfand. Ông không phải là người lịch sự, tinh tế trong dối xử. Nhưng đối với diễn giả và cả người tham dự, mỗi buổi seminar Gelfand đều đem lại những cài nhìn hết sức có giá trị vào các ý tưởng mà Gelfand đang nung nấu.
Ông bắt đầu một seminar thứ hai, về sinh học, sau khi Aleksandre, một người con trai của ông bị mắc bệnh bạch cầu. Các nhà sinh vật ở Moscow rất thích tới tham dự, làm báo cáo tại seminar này và được nghe những ý kiến hết sức khác thường tại đây. Aleksandre chịu thua căn bệnh hiểm nghèo, nhưng Gelfand vẫn tiếp tục seminar của ông.
Gelfand sinh ở Ukraina, gần Odessa. Ông không học hết phổ thông và cũng chưa hề bao giờ là sinh viên đại học. Ông lên Moscow vào khoảng năm 16, 17 tuổi và làm nhiều công việc khác nhau. Vốn ham mê toán học, ông vẫn đi dự các seminar và đến năm 19 tuổi ông được nhận thẳng vào làm nghiên cứu sinh tại Mech-Math, trường đại học tổng hợp Moscow dưới sự hướng dẫn của Andrei Kolmogorov. Ông bảo vệ phó tiến sỹ năm 1935 và bảo vệ tiến sỹ khoa học 5 năm sau đó. Ông là viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên xô từ năm 1953 và trở thành viện sỹ chính thức năm 1984. Ông tới Mỹ năm 1989 và từ năm 1990 làm giáo sư tai Rutgers, nơi ông đã mở lại seminar của mình với quy mô nhỏ hơn thời kỳ ở Moscow trong vài năm.
Với những đóng góp to lớn của mình cho toán học, ông đã được nhận nhiều giải thưởng lớn: Giải thưởng nhà nước Liên xô 1953, giải thưởng Lenin 1956, giải thưởng Wolf 1978, giải thưởng Kyoto 1989, giải thưởng MacArthur 1994. Năm 2005 ông được nhận giải thưởng Steele dành cho đóng góp suốt đời của Hội Toán học Mỹ. Ông được nhận giải này vì “đã có những ảnh hưởng sâu sắc trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu thông qua các kết quả của ông cũng như thông qua sự cộng tác với các nhà toán học khác, kể cả các sinh viên”.
Gelfand luôn tìm cách dạy không chỉ các quy tắc của toán học mà còn dạy cả vẻ đẹp và sự chính xác của môn khoa học này. Ông thường nói:“Toán học chỉ là một cách suy nghĩ trong cuộc sống hàng ngày. Đừng bao giờ nên tách toán học ra khỏi cuộc sống. Bằng cách đó bạn có thể giảng một cách dễ dàng về phân số cho những kẻ say rượu bét nhè. Nếu bạn hỏi họ 2/3 với 3/5 số nào lớn hơn thì họ sẽ không trả lời được nhưng nếu hỏi họ 2 chai vodka cho 3 người và 3 chai vodka cho 5 người đằng nào có lợi hơn thì họ sẽ trả lời đúng ngay”.
Theo Nguyễn Việt Dũng (Viện Toán)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét