Từ quan sát này, độc giả Lê Thị Vuôn - một nhà giáo gần 30 năm giảng dạy - cho rằng, muốn trẻ hết "nghèo nàn và ích kỷ trong đối xử", không thể chờ đến khi trẻ đến trường mới dạy những bài học, không thể chờ cho đến lớp 6 mới dạy cho chúng bài “"tinh thần trách nhiệm" hay "lòng dũng cảm” trong sách Giáo dục công dân mà nền móng nhân cách của trẻ trước tiên phải ở gia đình.
Chị đã chia sẻ câu chuyện đã dạy con có trách nhiệm với người khác.
"Mời bố mẹ ăn khoai"
Kể từ khi các con biết thích đồ vật, thích ăn một món ăn nào đó, tôi đã phải tập cho chúng biết nhường nhịn.
Tôi nhớ những năm sau 1986, Miền Bắc còn đói lắm. 17 kg gạo của 2 mẹ con phải đi lấy ở kho lương thực đến 3 lần mới hết, nhiều lúc không có gạo phải lấy khoai, sắn thay.
Đến bữa ăn con trai đầu của tôi 3 tuổi chào “Mời bố mẹ mời cơm, bố mẹ ăn khoai đi.”. Thì ra cháu thấy ít cơm nên sợ bố mẹ ăn hết cơm của nó, nó phải ăn khoai! Nên vội vàng nói thêm “bố mẹ ăn khoai đi”!
Hai vợ chồng nhìn nhau ứa nước mắt. Nhưng tôi đã phải chia cơm cho cả 3 người mặc dù cơm là chỉ đủ cho mình cháu (chia cho bố mẹ một thìa thôi, lấy lệ mà). Tôi chia cơm là để cháu biết nó không được ưu tiên. Chồng tôi nhường nhưng tôi không đồng ý, bắt anh ăn phần cơm của mình. Ăn cơm xong, mới ăn khoai nên nóng cổ. Từ đó, tôi cho cả nhà ăn khoai trước.
Bé cũng phải ăn mặc dù cu cậu không thích. Tôi đã phải phịa chuyện về củ khoai để cháu cùng ăn.
Khi em nó ra đời, nhà có 4 người. Thỉnh thoảng, tôi mua trứng gà, luộc lên cả nhà cùng ăn. Đến bữa ăn, tôi đố thằng anh quả trứng nào lớn nhất và đếm cho em biết. Khi cháu chọn được quả to nhất thì tôi nói “quả to dành cho bố để bố khỏe bố đi làm nuôi cả nhà”. Quả thứ 2, nó tự biết là dành cho mẹ nhưng tôi bảo “Em còn nhỏ, để cho em ăn em mau lớn”. Và tôi giao cho cháu chia trứng. Đấy là những bài học đầu tiên tôi dạy hai con mình.
Bây giờ khi các con đã lớn, tôi thấy rõ đức tính nhường nhịn của chúng khi sống với bạn bè và những người xung quanh.
Mỗi tuần một bữa cá khô
Tôi luôn luôn để các con hiểu rằng nhà mình còn thiếu thốn. Khi còn nhỏ, thấy trẻ con hàng xóm ăn quà, các con có vẻ muốn ăn, tôi tìm cách lảng tránh bằng những câu chuyện về những con vật ngộ nghĩnh để các con thấy ăn quà là không tốt. Nhờ vậy mà 2 đứa ăn cơm, ăn cháo khỏe, không bao giờ phải ép ăn. Khi các cháu đi học rồi, chúng hiểu rằng bố mẹ còn nghèo.
Một lần, chồng tôi chở tôi và thằng em đi ăn sáng. Bánh xèo Cần Thơ. Cháu ăn hết dĩa bánh, tôi hỏi: “Con có muốn ăn nữa không?” cháu đáp; “Có, nhưng con sợ bố mẹ hết tiền!” Tôi nghe mà giật cả mình! Không ngờ con tôi mới 5 tuổi mà đã nói như vậy.
Trong các bữa ăn, tôi thường gợi ý thằng anh gắp đồ ngon cho em. Hai đứa thấy bố gắp thức ăn cho mẹ cũng bắt chước nhau.
Cái nhường cái nhịn và biết quan tâm đến người khác theo tôi không thể chỉ dạy bằng sách vở giáo điều. Những năm 1990, lương giáo viên còn thấp, nhiều lúc cũng thiếu thốn nên tôi hay suy nghĩ.
Có hôm, đem cả suy nghĩ vào bữa ăn mà không biết. Câu hỏi của thằng anh làm tôi giật mình: "mẹ đang nghĩ gì đấy?”
Khi 2 con tôi lên cấp 2, cấp 3 mỗi lần đóng góp gì các cháu về xin mẹ tiền nhưng cứ phải rào trước đón sau xem mẹ có lương chưa mới dám xin.
Đặc biệt là thằng em, cứ để mai hạn chót thì hôm nay mới xin tiền mẹ. Nhiều lần, tôi bảo cháu không được như vậy nhưng cháu bảo“con biết mẹ chưa lĩnh lương".
Tôi rất chăm con nhưng tuần nào tôi cũng cho các cháu ăn cá khô một lần. Hôm nào ăn cá khô là cháu nghĩ mẹ hết tiền!
Khi thằng anh học lớp 12, ôn thi ĐH vì thấy anh đi học thêm nhiều thằng em nói với anh nó; hay "anh đừng đi học thêm nữa, mẹ thiếu tiền đấy”.
Nghe con nói, tôi thật sự vui mừng vì các con có ý thức trách nhiệm với cha mẹ.
Lê Thị Vuôn (Trường THPT Đông Sơn I, Huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) - VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét